TBVĐ- Năm 2016, ở Đức có gần 700.000 người phải đến gặp bác sỹ và 130.000 bệnh nhân phải nhập viện vì béo phì.
Đó là con số thống kê của Quỹ Bảo Hiểm Y Tế (Techniker Krankenkasse) do báo Rheinische Post tại Düsseldorf. Đây là hồi chuông báo động về tình trạng tích lũy mỡ quá mức và dinh dưỡng không cân bằng, không chỉ ở người lớn mà cả rất nhiều trẻ em.
Vì sao nên nỗi?
Số lượng người béo phì tăng với tốc độ chóng mặt: Vào năm 2013, “mới chỉ” 580.000 người đi khám và gần 92.000 người nằm viện vì quá béo. Kể cả số trẻ em béo phì ngày nay cũng tăng cao hơn rất nhiều so với 10-20 năm trước. Nguyên nhân đầu tiên nằm ở gen di truyền. Trẻ em trong các gia đình có ông bà hoặc bố mẹ bị béo phì thường có xu hướng tăng cân không kiểm soát.
Điều này cũng liên quan rất nhiều đến việc ăn uống sai cách và lười hoạt động. Trong thời đại phát triển mạng Internet như hiện nay, cả trẻ em và người lớn đều dành nhiều thời gian ngồi trước máy vi tính, bấm di động, chơi game, xem TV … hơn là nghĩ ra những trò chơi hoạt động ngoài trời hay ra ngoài đi dạo, hít thở không khí. Ngồi một chỗ xem phim hay chơi game thì lại thấy thèm nhâm nhi đồ ngọt, bánh kẹo, chips, đồ ăn nhanh, càng khiến bệnh béo phì phát triển mạnh hơn.
Các quỹ bảo hiểm y tế tổng kết rằng, ngày càng nhiều người mắc các bệnh như tăng huyết áp, tim mạch, hô hấp, rối loạn hormone, bệnh tiểu đường, … thậm chí là ung thư vì dinh dưỡng không điều độ và đúng cách. Báo Familie & Co. cảnh báo, ngoài các bệnh ảnh hưởng đến cơ thể, nhiều người lớn và đặc biệt trẻ em béo phì – vì ngoại hình của mình mà bị bạn học hoặc người khác chế giễu, xa lánh – dẫn đến các bệnh tâm lý như tự ti, trầm cảm, rối loạn ăn uống.
Giải pháp cải thiện
Theo trang thông tin sức khỏe gesundheit.de, người béo phì bị bệnh phần lớn là do sự phân bổ lớp mỡ trên cơ thể: Người hình quả táo thường bị tích nhiều mỡ ở phần bụng, nghĩa là ảnh hưởng đến cả các cơ quan nội tạng và cũng dễ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp … Ngược lại, người hình quả lê hay bị béo đùi và hông lại ít bệnh hơn. Phụ nữ với chỉ số vòng bụng từ 80 cm và đàn ông từ 94 cm cần lưu ý đến chế độ ăn uống, khám bệnh thường xuyên và hoạt động nhiều hơn.
Cách đơn giản để kiểm tra mức độ gầy, béo là tính chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI) với công thức là cân nặng chia chiều cao bình phương: kg/ (m)² – đối với người Châu Á thì trung bình từ chỉ số 25 đã là thừa cân và vượt qua số 28 là béo phì. Chỉ số BMI lý tưởng ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn, nhưng cần hỏi bác sỹ để biết thêm thông tin chính xác. Nhiều trẻ bắt buộc phải giảm béo theo chế độ riêng nhằm bảo vệ sức khỏe.
Ba phương pháp để cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm bệnh và phòng tránh béo phì: 1. sống vui vẻ, lạc quan, ngủ đủ giấc; 2. giữ chế độ ăn uống điều độ và hợp lý, nhiều rau xanh, hoa quả, uống đủ nước và 3. hoạt động nhiều, có thể là chơi các trò chơi, nhảy dây, đuổi bắt, tổ chức các buổi đi bộ dã ngoại … hay tham gia vào một hội đoàn thể thao trong vùng, đi bơi, tập yoga (có cả chương trình cho trẻ em).
Cẩm Chi