Bất đắc dĩ lắm người ta mới sử dụng tới điện của các nhà máy nhiệt điện than, dấu hiệu của sự thoái trào và không gì ngăn được đã bắt đầu xuất hiện ở châu Âu.
Kỷ lục mới trong việc sử dụng năng lượng sạch đã được thiết lập ở hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu trong tuần qua.
1.000 giờ không có điện than
Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng số giờ không đốt than tại các nhà máy nhiệt điện của Anh đã cán mốc 1.000. Dù con số chỉ mang tính biểu tượng, nó vẫn được xem là một thành tựu đáng kể của xứ sở sương mù trong việc giảm phụ thuộc vào loại hình tạo ra năng lượng nhưng gây ô nhiễm môi trường này.
Trong khi đó, ở Đức – đầu tàu kinh tế châu Âu, tính đến cuối tháng 6-2018, nhiệt điện than chiếm 35,1% tổng sản lượng điện của toàn nước này, ít hơn mức 36,5% của các ngành năng lượng tái tạo. Đây cũng là lần đầu tiên tỉ lệ điện từ năng lượng tái tạo cao hơn điện than. Với một quốc gia mà các nhóm lợi ích và vận động hành lang cho ngành công nghiệp than còn mạnh như Đức, con số này càng có ý nghĩa.
Khi đợt không khí lạnh “quái vật đến từ phương Đông” đóng băng các quốc gia châu Âu hồi tháng 2-2018, nhà chức trách Anh đã buộc phải đưa vào sử dụng 8 nhà máy nhiệt điện than cuối cùng của nước này. Nhưng sự hồi sinh đó chỉ là tạm thời, ngay khi thời tiết ấm dần lên, các hoạt động lập tức bị chấm dứt.
Mới nửa năm 2018 trôi qua nhưng Anh đã có 1.000 tiếng không sử dụng nhiệt điện than so với con số 624 tiếng của tổng năm 2017 và 210 tiếng của năm 2016, một kỷ lục mới dự kiến đạt được vào cuối năm nay.
Sự thoái trào của nhiệt điện than ở Anh là thấy rõ qua từng năm. Nước Anh hiện nay chỉ còn 8 nhà máy nhiệt điện với công suất 520 – 2.000MW nhưng được vận hành cầm chừng, bất đắc dĩ lắm mới cần tới. Điều này trái ngược với thực tế cách đây 6 năm khi nhiệt điện than tạo ra tới 2/5 tổng sản lượng điện quốc gia.
Nửa đầu năm 2018, nhiệt điện than chỉ tạo ra 6% điện cho nước Anh. Con số này sẽ còn giảm vào cuối năm nay khi hai nhà máy Eggborough (1.964MW) và Killroot (520MW) bị đóng cửa vào tháng 9 tới.
Tương lai là điện mặt trời
Thời tiết nắng gắt tại các nước châu Âu trong mấy tuần gần đây đã khiến sản lượng điện mặt trời tăng vọt. Kết quả này xuất phát từ thực tế nhiều nhà máy điện mặt trời đã được xây dựng trên khắp châu Âu trong năm ngoái.
Viễn cảnh vai trò ngày càng tăng và quan trọng của loại năng lượng này nhận được sự ủng hộ của giới chuyên gia. Dù mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) là tạo ra 32% lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo đến trước năm 2030 – vốn được xem là trên cả mong đợi sau các cuộc đàm phán, các chuyên gia năng lượng châu Âu cho rằng nó vẫn còn quá khiêm tốn.
Ông Radostina Primova, giám đốc Chương trình năng lượng và khí hậu thuộc Quỹ Heinrich Böll (Đức), cho rằng năng lượng tái tạo phải chiếm ít nhất 45% thì EU mới đáp ứng được cam kết của khối này trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Vị này cũng tự tin chỉ cần với các công nghệ hiện tại, tương lai 100% điện tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và có thể lưu trữ là hoàn toàn khả thi vào giữa thế kỷ này.
Nhiệt điện than lép vế Tất cả các nhà máy nhiệt điện than còn sót lại hiện nay của Anh đều được xây dựng vào cuối những năm 1960. Trong năm 2017, nhiệt điện khí đứng số 1 về sản lượng điện, trên cả điện hạt nhân xếp thứ hai; điện gió và điện mặt trời đứng thứ 3, trên điện than tận 2 bậc. |
Theo Bảo Duy / tuoitre.vn