Chuyện cổ phần hóa hãng phim không chỉ là chuyện của nền điện ảnh và các nghệ sĩ.
Trong một cuộc đối thoại diễn ra mới đây giữa ban lãnh đạo mới và cũ của Hãng phim, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đóng vai trò “MC” – như cách ông giới thiệu khi mở màn buổi trao đổi.
Dưới sự điều phối của người dẫn chương trình Vũ Đức Đam, câu chuyện thương hiệu của hãng phim một lần nữa được đem ra mổ xẻ. Nó được xác định là dấu hỏi lớn nhất cần được giải quyết trong thương vụ này.
Các bộ, ngành loay hoay với một công thức định giá thương hiệu cứng nhắc. Nó chỉ dựa trên các con số cơ học: cộng lại từ các chi phí thực tế trong 5 năm dành cho quảng cáo, xây dựng website, đào tạo… Tuy nhiên, 5 năm qua, hãng phim không dành ra chi phí để làm những điều đó, nên con số cộng lại chỉ bằng 0.
Thương hiệu của hãng phim truyện, nơi đã tạo ra những khoảnh khắc lịch sử trong đời sống văn hóa của người Việt, như vậy, có giá 0 đồng. Hình ảnh của những “Em bé Hà Nội” hay “Chim vành khuyên”, của “Chung một dòng sông” hay “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, cho dù được bao nhiêu người dân Việt Nam nhớ đến, cũng chỉ có giá 0 đồng.
Và tất nhiên, với cách định giá như vậy, là những người hàng chục năm gắn bó với hãng, các nghệ sĩ, diễn viên tại đây cho biết, họ cảm thấy bị “xúc phạm”. Họ lập luận, kể cả 100 năm nữa, hơn 400 bộ phim mang thương hiệu của hãng vẫn còn giá trị lớn, con số 5 năm vì thế là vô nghĩa. Họ tỏ ra chua chát khi cho rằng, nếu với cách tính này thì thương hiệu của hãng phim 60 năm thậm chí không bằng những tên tuổi cùng ngành mới thành lập một vài năm.
Thương hiệu luôn là một trong những tài sản vô hình quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, là niềm tự hào của người lao động trong tổ chức đó. Trên thế giới có những doanh nghiệp mà thương hiệu được xác định chiếm đến 70% tổng giá trị. Thương hiệu cũng được định giá để được coi như một phần giá trị vốn góp trong quá trình doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết…
Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp nhà nước đã được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao dựa trên các quy chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo về thương hiệu doanh nghiệp Việt diễn ra hồi tháng 7, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến từng cho biết, nhiều giá trị thương hiệu tuy được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhưng vẫn chưa được xác định như giá trị tài sản doanh nghiệp. Đó cũng là lý do khiến khi thực hiện cổ phần hóa, nhà nước sẽ bị thất thoát không nhỏ. Việc định giá thấp thương hiệu cũng đồng nghĩa các đơn vị này gặp bất lợi khi cạnh tranh, nhượng quyền thương mại hay mua bán sáp nhập…
Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc xác định giá trị thương hiệu theo cơ quan quản lý, nút thắt bao năm nay vẫn nằm ở chỗ chưa có công cụ pháp lý, bởi theo quy định hiện hành giá trị đó phải được xác định bằng những con số trên sổ sách. Trong khi đó thương hiệu lại là những giá trị vô hình hiện hữu trong tâm trí người dùng, người xem sản phẩm. Vậy thì, việc máy móc sử dụng phương pháp tài chính thuần túy để định giá một tài sản vô hình liệu còn được coi là phù hợp hay không?
Sau câu chuyện của hãng phim, tôi nỗ lực tìm kiếm các thông tin đăng tải công khai về việc xác định giá trị thương hiệu trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vừa diễn ra dồn dập gần đây.
Giầy Thượng Đình, Xe đạp Thống Nhất, Dệt 19/5, điện tử Hanel… những thương hiệu “vàng son một thời”, hằn sâu trong ký ức người Việt suốt nhiều thập kỷ, đến nay sau khi cổ phần hóa với “công thức” tính như trên đã được định giá ở mức bao nhiêu? Câu trả lời rất dễ đoán: các thông tin đó không được công khai và giá trị của những thương hiệu này đến nay chỉ một nhóm người liên quan được biết.
Rồi đây có bao nhiêu thương hiệu Việt trong làn sóng cổ phần hóa sẽ có chung số phận với hãng phim?
Bởi thực tế đã cho thấy, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kể cả những tài sản hữu hình như đất đai, máy móc dây chuyền, nhà xưởng… còn có thể được dìm giá xuống mức thấp hơn thị trường. Với một tài sản vô hình như thương hiệu, việc đưa ra một con số bằng 0 có lẽ cũng không phải là điều quá khó khăn, đặc biệt khi quy định hiện hành vẫn trở thành cái cớ để họ viện dẫn trong quá trình xác định giá trị thương hiệu.
Thông thường, khi một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, người ta thường nghĩ ngay đến giá trị những lô đất vàng mà đơn vị đó đang sở hữu hoặc quản lý và những tài sản hữu hình có thể “cân, đo, đong đếm”.
Nhưng khi mâu thuẫn tại Hãng phim truyện Việt Nam nổ ra, lần đầu tiên, người dân giật mình trước một tài sản quan trọng khác: các thương hiệu. Lần đầu tiên, nhờ sự tự ái của các nghệ sĩ, câu chuyện định giá thương hiệu doanh nghiệp nhà nước trở thành chủ đề nóng.
Nhưng đó là các nghệ sĩ, là những nhân vật của công chúng, những người đầy tự ái và có khả năng giãi bày tâm trạng với đám đông; đó là hãng phim nơi giá trị thương hiệu là điều rất dễ nhìn thấy và dễ hiểu rằng 0 đồng là “rất có vấn đề”. Không phải doanh nghiệp nào cũng có sự nổi tiếng ấy.
Có bao nhiêu loại tài sản khác được định giá “đúng quy trình” theo kiểu các thương hiệu?
Và có bao nhiêu tài sản đã bị bán rẻ trong câm lặng?
Theo Hà Nguyễn / vnexpress.net