Trong khi các ngân hàng và những tập đoàn công nghệ tăng cường đầu tư cho mảng thanh toán điện tử cũng như các công cụ giao dịch phi tiền mặt thì người Đức lại có vẻ thích trả bằng “tiền tươi thóc thật” hơn.
Hiện Đức là một trong những quốc gia phát triển còn sử dụng nhiều tiền mặt nhất trên thế giới, bất chấp việc nền kinh tế này đóng vai trò chủ chốt tại Châu Âu.
Theo báo cáo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), bình quân mỗi người Đức chi khoảng 123 USD tiền mặt cho tiêu dùng mỗi ngày, cao gấp đôi người dân các nước như Mỹ, Australia, Pháp, Hà Lan…
Khoảng 80% các vụ giao dịch tại Đức được thực hiện bằng tiền mặt trong khi tỷ lệ này chỉ chiếm 50% tại Mỹ. Thậm chí, tiền mặt chiếm 82% thị trường thanh toán tại Đức cho dù đó có là khoản tiền lớn đi chăng nữa, cao hơn bất kỳ nước nào tại Châu Âu và thậm chí vượt qua Mỹ.
Trên thực tế, không có ai biết chính xác tại sao người Đức lại có niềm đam mê mạnh mẽ với tiền mặt, nhưng những cuộc khảo sát cho thấy một lý do rằng người dân nước này có thể theo dõi dễ dàng việc chi tiêu của mình hơn.
Theo đó, việc người dân có thể nhìn thấy tiền mặt trong túi ít đi hay nhiều lên khiến họ cảm thấy an toàn hơn cũng như tính toán chính xác hơn về lượng chi tiêu của mình. Trái lại, những con số chuyển khoản qua ngân hàng hay thẻ tín dụng khiến họ cảm thấy mất an toàn và không tin tưởng.
Ngoài ra, một số người được khảo sát cho biết họ cảm thấy quyền riêng tư của bản thân được bảo vệ khi dùng tiền mặt hơn là chuyển khoản, loại thanh toán bị theo dõi bởi ngân hàng và chính phủ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến người Đức “hám tiền mặt” đến vậy liên qua đến lịch sử tài chính của quốc gia này.
Tất cả là tại chiến tranh
Sau khi Đức bại trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1918, quốc gia này phải trả phí bồi thường chiến tranh cho những quốc gia thắng trận. Việc thua trận cùng với bồi thường đã khiến tỷ lệ lạm phát tại Đức tăng phi mã và đạt đỉnh vào năm 1923.
Giá cả các mặt hàng tại đây đã tăng gấp hàng nghìn tỷ lần do nước Đức in thêm tiền để trả bồi thường chiến tranh, qua đó hạ giá đồng Mark.
Thời kỳ đó, một ổ bánh mỳ có giá 428 tỷ Mark trong khi một kg bơ có giá 6 nghìn tỷ Mark. Nói cách khác, một xe kéo chở đầy tiền cũng chỉ có thể mua được một chiếc bánh mỳ.
Trong thời gian đó, các doanh nghiệp Đức thường sẽ tạm ngững hoạt động vào giữa buổi sáng để trả tiền mặt cho nhân viên bởi lượng tiền giấy phải trả quá lớn và tốn thời gian để thanh toán. Tất cả các nhân viên sẽ đựng tiền trong rổ, thúng hoặc những bao lớn.
Sau đó, ông chủ công ty sẽ cho tạm nghỉ khoảng 1 giờ để nhân viên có thời gian dùng ngay số tiền giấy được trả đi mua nhu yếu phẩm nhiều hết mức có thể bởi chẳng ai biết khi nào loại tiền này sẽ thành giấy lộn.
Tất nhiên, người dân cũng bắt đầu dùng tiền giấy cho những việc vô bổ như dán tường, đốt lò hay thậm chí dán diều để chơi.
Dẫu vậy, đây không phải lần duy nhất người Đức chịu cảnh tiền giấy mất giá trong thế kỷ 20. Sau chiến tranh thế giới thứ II, đồng Mark Đức lại bắt đầu một đợt mất giá mới.
Trước đó, Quốc trưởng Adolf Hitler đã ra lệnh in tiền vô tội vạ nhằm tài trợ quân bị cho chiến tranh và khiến tỷ lệ lạm phát của nước này tăng mạnh sau thời kỳ ổn định. Tuy nhiên, khi Đức quốc xã còn nắm quyền, Hitler đã giữ tỷ lệ lạm phát ở mức ổn định bằng những chính sách thiết quân luật mạnh mẽ.
“Lạm phát là một loại hình vô kỷ luật. Tôi cam đoan rằng giá cả hàng hóa sẽ được giữ ổn định và quân đội thép của tôi sẽ đảm bảo điều đó được thực hiện”, Hitler nói.
Sau khi Đức quốc xã thua trận, lạm phát tại Đức mất sự kiềm chế và bùng nổ. May mắn thay, quân đồng minh đã thực thi chính sách kiểm soát giá cả cũng như hỗ trợ nhu yếu phẩm nhằm bình ổn thị trường.
Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để giải quyết mọi vấn đề khi ngày càng nhiều hàng hóa được tuồn ra chợ đen. Nói cho cùng, quân đồng minh không thể áp dụng những biện pháp “vô nhân đạo” như Đức quốc xã để răn đe.
Có một điều thú vị là đồng Mark thời kỳ đó không phải loại tiền tệ chính mà chính những bao thuốc lá hiệu Camels, Chesterfields hay những chiếc bút hiệu Parker của quân đồng minh mới là loại “tiền tệ” giao dịch phổ biến ở chợ đen.
Đến năm 1948, Đức thực hiện chính sách đổi tiền mới với tỷ lệ 10 đồng Mark cũ đổi được 1 đồng Mark mới, qua đó khiến khoảng 90% tài sản tiết kiệm của người dân thời kỳ đó bốc hơi.
Mặc dù biện pháp này khiến rất nhiều người dân chịu thiệt hại những chúng đã khiến thị trường chợ đen ngày càng thu hẹp và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo của nó. Có thể nói, đây là một biện pháp “đau đớn” nhưng cần thiết cho nền kinh tế Đức thời kỳ đó.
Vậy những cuộc khủng hoảng kinh tế và lạm phát phi mã trong lịch sử đóng vai trò gì với sự hám tiền mặt của người dân Đức hiện nay, nhất là khi nước này đã chuyển sang dùng đồng Euro?
Theo nhiều nghiên cứu, nỗi ám ảnh về lạm phát phi mã vẫn còn trong xã hội Đức. Phần lớn người dân Đức khá nhạy cảm với lạm phát cũng như giá cả hàng hóa, nhất là khi Châu Âu vừa trải qua cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ.
Do đó, phần lớn người Đức thích giữ tiền mặt hơn là để trong ngân hàng. Thậm chí, họ thích giữ đồng USD hơn là đồng Euro dù đồng tiền chung Châu Âu là một đồng tiền mạnh trên thế giới.
Nghiên cứu của FED cho thấy nhu cầu về đồng USD sẽ tăng mạnh trong ít nhất là một thế hệ ở những nước vừa trải qua cuộc khủng hoảng lạm phát phi mã. Thậm chí ở những nền kinh tế như Bulgaria hay Romania, nơi thường xuyên có sự bất ổn trong hệ thống tài chính cũng sử dụng nhiều đồng USD hơn là đồng nội tệ của nước họ.
Quay trở lại với trường hợp của Đức, một số chuyên gia khác lại cho rằng không phải người dân nước này “hám tiền mặt” mà là họ ghét nợ.
Tỷ lệ nợ tiêu dùng tại Đức thường ở mức khá thấp và người dân nước này khá ác cảm với việc thế chấp tài sản để vay ngân hàng. Đây có lẽ là một trong những lý do khiến Đức trở thành nước có tỷ lệ sở hữu nhà ở thấp nhất trong số các quốc gia phát triển.
Một khảo sát năm 2011 cho thấy chỉ có khoảng 33% người Đức nói rằng họ có thẻ tín dụng và phần lớn cho biết họ ít khi sử dụng chúng. Năm 2013, chỉ có khoảng 18% giao dịch tại Đức được thực hiện qua thẻ tín dụng, thấp hơn rất nhiều so với mức 50% tại Pháp và 59% tại Anh.
Theo Hoàng Nam / Trí Thức Trẻ