Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập: Người giàu ở Đức khác người giàu Việt Nam

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

-Thưa ông bây giờ thì chúng ta sẽ không nói đến chuyện smartphone ở Đức hay cách sử dụng những cái ĐTDĐ và những trang web ở Đức nữa, mà sẽ nói đến một khía cạnh này: người giàu ở Đức. Trong quan sát của ông thì người giàu ở Đức thường có đặc điểm như thế nào, và nó có khác gì so với người giàu ở Việt Nam không ạ?

-Ở Việt Nam bây giờ có từ “đại gia”, rất phổ biến, nhưng nếu bảo tôi phải dịch từ này sang tiếng Đức thì nói thật tôi không biết phải dịch như thế nào. Vì đại gia ở ta thứ nhất là phải có nhiều tiền, đương nhiên rồi, thứ hai là phải sống một kiểu khác, và đặc biệt là phải gắn với một cái gì đó, ví dụ như mối quan hệ đại gia – chân dài. Có rất nhiều đại gia ở ta trở thành đại gia sau khi bán đi tài sản, đất đai hoặc được thừa kế một khoản kếch xù nào đó từ cha mẹ.

Còn ở Đức anh biết không, khi tôi sang Đức làm việc về lĩnh vực thiết bị y tế thì ông Moss bạn tôi đề nghị tôi nhất định phải có quan hệ với giới công nghiệp. Sau này tôi hiểu ra khoa học mà không kết nối được với công nghiệp thì không tiến xa được. Và tôi thấy những người thực sự giàu có ở Đức là những người làm trong giới công nghiệp, những người có tiền, sẵn sàng nâng đỡ khoa học, và rất biết trọng dụng các nhà khoa học. Có nghĩa, họ đại diện cho một sức sản xuất, mang lại những sản phẩm cho xã hội, có thể là sản phẩm cứng hoặc sản phẩm mềm, và xã hội dựa vào sản phẩm ấy mà phát triển.

-Chứ không phải là những người bỗng nhiên giàu có nhờ bán đất hoặc nhờ là con của ông nọ, ông kia?

-(Cười lớn…). Tôi vừa nói tới khía cạnh kiếm tiền của những người bên đó, và xin nhắc lại, họ kiếm tiền, rồi trở nên giàu có bằng những sản phẩm có ích, có sức lan toả lớn trong xã hội. Giờ phải bàn đến khía cạnh tiêu tiền của họ nữa, chắc là anh biết câu chuyện ông Bill Gates khẳng định sau này sẽ đem tiền của mình đi làm từ thiện, và chỉ để lại rất ít cho con cái rồi chứ. Triết lý của ông ấy là để lại cho con một số tiền đủ để nó có thể làm được những việc mà nó muốn làm, chứ không phải để nó sống. Ví dụ nó có những mong muốn, khát vọng mà không có tiền thì không làm được, và ông ấy để lại một khoản tiền vừa đủ để con mình làm, chứ nhất thiết không phải để tiền lại để nó mua đất đai, biệt thự, nhà lầu, xe hơi…

Tất nhiên vẫn có những người giàu vung tay quá trán, dùng tiền để phục vụ những sở thích siêu đắt của họ, nhưng như tôi thấy thì mẫu người giàu kiểu ấy không thật sự được coi trọng thì phải.

Ảnh: nguồn phandang.com

-Như vậy là ông vừa nói đến cách kiếm tiền và tiêu tiền của những người giàu bên đó, thôi thì cứ tạm gọi họ là đại gia đi. Ông có để ý gì đến đời sống tinh thần của họ không ạ? Ví dụ họ có am hiểu nghệ thuật, tranh ảnh gì không, và ở Việt Nam, theo ông những đại gia yêu nghệ thuật, tranh ảnh có nhiều không?

– Với câu hỏi này, tôi xin kể anh nghe câu chuyện về ông Moss bạn tôi – người tôi vừa nhắc đến nhé. Trong mắt tôi, ông ấy là một người giàu đúng nghĩa. Ngoài ra ông ấy là một người yêu Việt Nam. Ông ấy xây ở Cologne một ngôi nhà triển lãm tranh ảnh, phần gỗ đều mua từ Việt Nam. Ngày ấy, ông bảo tôi là rất muốn làm một triển lãm ảnh về chiến tranh Việt Nam. Tôi hỏi ông ấy triển lãm vậy thì ai xem? Ông ấy bảo khi nào Mỹ đánh Iraq – người ta sẽ nhớ Việt Nam thì người ta sẽ xem. Và thế là ông ấy đến gặp ông Đoàn Công Tính – một phóng viên chiến trường nổi tiếng để mua lại những bức ảnh chiến tranh Việt Nam …Anh xem ứng xử như thế thì có thật sự xứng tầm đại gia không?

Ông Moss cũng từng tổ chức một triển lãm ảnh Việt Nam ở viện Goethe – Hà Nội, gây tiếng vang lắm. Đấy là những bức ảnh chụp Việt Nam từ thế kỷ 19. Anh biết ông ấy có những bức ảnh ấy từ đâu không? Ông ấy mua được ở một vỉa hè Đức với cái giá rất rẻ. Sau này tìm hiểu nguồn gốc thì ông ấy phát hiện ra một sĩ quan Pháp tham chiến ở Việt Nam từng mang những bức ảnh này về Pháp, sau đấy ông ta lấy một cô vợ Đức, rồi sang sống tại Đức, và sau này con của cặp vợ chồng Đức – Pháp ấy, vì cho rằng những bức ảnh này cũng chẳng có giá trị gì nhiều nên mang ra vỉa hè, bán đi… Nếu chỉ là một người giàu thuần tuý về mặt vật chất thì chắc chắn ông Moss đã không mua những bức ảnh ấy, và sau này có thể thực hiện cả một triển lãm có tiếng vang.

-Những gì ông Moss làm thể hiện rõ một triết lý sống, một tầm nhìn xa….

-Đúng rồi, triết tý. Người ta làm gì đầu tiên cũng phải có triết lý, sau triết lý phải có lý luận, sau lý luận phải có phương pháp, và sau phương pháp thì hành động, ứng dụng. Nếu có triết lý thì làm bất cứ cái gì cũng sẽ có tầm nhìn xa.

Còn ở ta, tôi thấy nhiều người, trong đó có không ít người giàu rất thích cụm từ “đi tắt đón đầu”, tôi sợ “đi tắt đón đầu” lắm, vì “đi tắt đón đầu” thì rất dễ phi nền tảng, phi triết lý. Lẽ đương nhiên, cũng có người đi tắt đón đầu thành công, nhưng có thể xem đấy là ngoại lệ, còn về cơ bản nên chú trọng nền tảng.

Mà ngay cả có triết lý thôi cũng chưa đủ, phải luôn luôn vận động để triết lý của mình phù hợp với sự thay đổi của thời đại. Tôi ví dụ trước đây, triết lý của ngành y là có bệnh thì tìm thầy chữa bệnh. Sau đó, khi xã hội phát triển người ta lại thấy triết lý của ngành y không phải là chữa bệnh, mà phải là phòng bệnh. Nhưng chưa dừng lại, khi phát triển , người ta đi đến triết lý khác: không phải phòng bệnh, mà phải ở mức cao hơn, đó là chăm sóc sức khoẻ.

Thế là người ta phải định nghĩa lại về sức khoẻ. Khoẻ không phải là không bệnh, mà là trạng thái mà con người hài lòng về tinh thần và thể trạng của mình. Sau người ta lại thấy nếu chỉ hài lòng thôi thì vẫn không ổn, vì nếu hài lòng mà không hành động thì cũng chẳng để làm gì, cho nên người ta lại đi tới một triết lý, một nhiệm vụ mới của y tế đó là giúp mỗi người tận dụng tốt nhất khả năng của bản thân để phục vụ chất lượng cuộc sống của bản thân họ và xã hội. Và như thế, lực sĩ có chất lượng cuộc sống kiểu lực sĩ, người khuyết tật có chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Ai cũng có vị trí của mình trong xã hội.

Nói thế để anh thấy triết lý không ngừng vận động, không ngừng đi xa.

-Thành thử người giàu hay người nghèo, đại gia hay bình dân, xã hội phát triển hay chưa phát triển, nếu không xây dựng được những triết lý hợp thời đại đã là bi kịch, nếu không chú ý đến tầm quan trọng của triết lý, triết thuyết trong mỗi vận động của mình thì càng bi kịch, phải không ông?

– (Gật đầu…)

– Rất cảm ơn ông về cuộc đối thoại này!

Theo Phan Đăng / phandang.com