Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tập quán ăn cá ở Đức và cách chế biến

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Loại cá mà người Đức ưa chuộng nhất là những loài sống ở vùng nước lạnh như cá hồi biển Alaska, cá trích, cá ngừ, cá tra và basa. Nhưng rất ít người tiêu dùng mua cá đang sống (chỉ 9%), hầu hết họ ăn cá lạnh đông (34%), cá hộp và các loại cá đã chế biến khác (26%). 

Nói đến ẩm thực, nhất là văn hóa ăn cá của người Việt thì hoàn toàn khác người Đức. Thường thì hiếm có người Việt nào lại nghĩ đến việc mua cá đông lạnh hoặc mua cá tươi rồi để dành ăn dần, trừ phi là cá khô. Nhưng người Đức thì lại cho đó là chuyện bình thường.

Quan niệm này có lẽ xuất phát từ đặc điểm địa lý của nước Đức chỉ với trên dưới 1.200 km đường bờ biển nằm tít phía trên vùng Cực Bắc, ráp ranh với Đan Mạch (không tính đường bờ biển của các đảo nhỏ), trong khi đường bờ biển Việt Nam dài gần gấp 3 lần (khoảng 3.400 km), trải từ Bắc đến Nam. Ngoài ra còn phải kể đến khí hậu lạnh giá, nhiệt độ mùa đông thường dưới 00 C, nhiều tuyết, khiến việc đánh bắt cá biển rất khó khăn. Vì khí hậu như vậy, thêm vào đó còn có đặc điểm địa lý là nhiều vùng rừng núi, nên Đức nổi tiếng trước tiên về săn bắn và sản xuất rượu vang tại các vùng miền Tây và Nam. Ngoài ra, văn hóa ẩm thực Đức tuy đa dạng và thay đổi tùy theo vùng, nhưng hầu hết là các món ăn nặng gồm thịt giò hầm với bắp cải muối chua, trứng ốp-lết với khoai tây và thịt xông khói, cùng nhiều loại xúc xích làm từ thịt bê, thịt lợn, mù tạt v.v… Các món cá biển hầu hết xuất phát từ thành phố cảng Hamburg, bên cạnh đó còn có món cá trê sông Donau.

Loại cá mà người Đức ưa chuộng nhất là những loài sống ở vùng nước lạnh như cá hồi biển Alaska, cá trích, cá ngừ, cá tra và basa. Nhưng rất ít người tiêu dùng mua cá đang sống (chỉ 9%), hầu hết họ ăn cá lạnh đông (34%), cá hộp và các loại cá đã chế biến khác (26%). Tỉ lệ tiêu thụ cá hàng năm tại Đức chỉ đạt trung bình 15,7 kg/người – để so sánh: Tại Ai-len, tỉ lệ này trong năm là 90 kg/người, Bồ Đào Nha đạt 55 kg/người, ở Tây Ban Nha là 40 kg/người (đây hầu hết là những nước ráp ranh với biển); trong khi nước Áo chỉ được 8 kg/người và Rumania là 4 kg/người.

Hiệp Hội Dinh Dưỡng của Đức khuyến cáo người Đức nên ăn mỗi tuần một bữa cá, nghĩa là khoảng 2 lạng/người/tuần, và nên thường xuyên ăn cá tươi. Khi đi mua cá tươi tại các cửa hàng của Đức, nên lưu ý chỉ mua cá vẫn được giữ lạnh bằng một lớp đá. Thịt cá phải căng chắc và trong. Nếu mắt cá đục mờ, teo lại thì đó là dấu hiệu của cá đã cũ. Da cá tươi thường sáng bóng, vẩy cá dính chắc, không có vết lồi lõm và các thương tích khác. Đặc biệt, người tiêu dùng nên tin tưởng ở khứu giác của mình, vì cá tươi thường còn có một chút mùi vị biển mặn, cá có mùi hôi tanh là đã cũ – nói chính xác là chúng không được có mùi cá, nhất là khi mua lườn cá lọc sẵn càng cần để ý hơn đến màu sắc và mùi vị (màu trắng, ánh bạc, có mùi thơm và thịt chắc).

Ảnh minh họa: pixabay.com

Theo Trung tâm Thông tin về cá cho người tiêu dùng (Fisch- Informationszentrum), cá đông lạnh trên thực tế hoàn toàn không thua kém cá tươi về mặt chất lượng, vì ngay trên tàu đánh bắt cá, chúng đã được đưa vào đóng đá cực nhanh. Người mua cá cần xem kỹ bao bì, không được chọn túi đã bị rách hoặc thủng lỗ, hạn sử dụng như sau: Cá béo nhiều mỡ dùng trong vòng 2 tháng, cá nạc hơn thì tối đa 5 tháng. Nhưng tốt nhất, mua cá ngày nào nên ăn ngay ngày đó. Cá tươi chỉ nên bảo quản nhiều nhất 1 ngày trong tủ lạnh ở nhiệt độ thấp như có thể. Khi chế biến, trước tiên cần rửa cá cho sạch, thấm khô bằng giấy, và chỉ ướp muối hoặc gia vị trước khi cho vào chảo. Cá đã chín chỉ có thể bảo quản trong tủ lạnh tối đa 3 ngày, cá hun khói cũng vậy và nên dùng ngay trong vòng 2-4 ngày.

Cá nói riêng và hải sản nói chung là nguồn thực phẩm rất bổ, cung cấp nhiều protein chất lượng cao, nhiều vitamine và khoáng chất, là những thứ có lợi lâu dài cho hoạt động trí óc và tinh thần. Chất dinh dưỡng từ hải sản được cơ thể người hấp thụ rất nhanh và dễ dàng, vì vậy chúng không bị liệt kê vào danh sách những món ăn nặng và gây béo. Hải sản có chứa các nguyên tố vi lượng và vitamine mà các thực phẩm khác không có, thậm chí cả mỡ cá cũng bổ hơn rất nhiều so với những loại mỡ thực vật khác, bởi nó rất giàu axít béo omega-3, giúp ngăn ngừa bệnh tim, các bệnh mãn tính và tăng cường sức khỏe não bộ. Đặc biệt, cá biển như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu là nguồn cung cấp i-ốt tốt nhất, ngược lại, các loại cá nước ngọt như cá chép thì ít hơn.

Hiện nay, vì nhu cầu tiêu thụ cá và hải sản ngày càng tăng, trong khi nhiều loại cá đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn đánh bắt quá mức, chính phủ Đức và các cơ quan chức năng, các hội đoàn bảo vệ môi trường cùng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua cá nên mua những loại có đóng dấu MSC- tiếng Anh là Marine Stewardship Council ( Hội Đồng Quản lý Biển Quốc tế). MSC là một tổ chức độc lập và phi lợi nhuận, được phép cấp chứng nhận khai thác và chế biến thủy/hải sản, mục tiêu nhằm giảm đánh bắt cá quá mức gắn liền với bảo vệ môi trường sông/biển, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu.

Minh Quân (tổng hợp)

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!