Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Thổ Nhĩ Kỳ – New Zealand căng thẳng vì bình luận của ông Erdogan

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: pixabay.com

 Việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố không buông tha những ai chống đối người Hồi giáo và moi móc chuyện lịch sử sau vụ thảm sát ở New Zealand có vẻ đang châm ngòi căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 20-3 cho biết Ngoại trưởng Winston Peters sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ để “đương đầu” với những bình luận của ông Erdogan, trong đó vị tổng thống này đe dọa sẽ không buông tha cho những ai thù hằn và chống đối người đạo Hồi.

Tới Thổ là về trong quan tài

New Zealand đang rúng động sau vụ một tay súng bắn chết 50 người tại một đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch. Nghi phạm trong vụ này là một người đàn ông 28 tuổi quốc tịch Úc tên Brenton Tarrant. Cảnh sát nghi ngờ tư tưởng thượng tôn da trắng là động cơ giết người của y và đích ngắm chỉ là người Hồi giáo.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia có hơn 97% theo đạo Hồi, đó dĩ nhiên là thảm kịch không mong muốn. Nhưng từ một quốc gia xa xôi, phản ứng của Tổng thống Erdogan lại bị mô tả mạnh mẽ hơn mức cần thiết.

Trong một cuộc vận động tranh cử mới đây trước thềm cuộc bầu cử địa phương ngày 31-3, ông Erdogan cho trình chiếu cảnh xả súng tại đền thờ và lên án cái mà ông cho là định kiến và thù hằn dành cho người Hồi giáo.

Vị tổng thống này đi xa hơn khi lật lại lịch sử của một cuộc đụng độ trong chiến dịch Gallipoli năm 1915, chỉ trích việc New Zealand và Úc gửi quân đội tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong phát biểu của ông có đoạn: “Cha ông các người đã tới đây… và trở về trong quan tài. Đừng mong điều gì khác khi chúng tôi cũng sẽ tiễn các người ra đi trong quan tài y như cha ông vậy”.

Những bình luận ấy lập tức đón nhận thái độ phản kháng từ Thủ tướng Úc Scott Morrison, người đã triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Úc để trao đổi.

Dù vậy sau đó, giám đốc truyền thông của văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fahrettin Altun, giải thích rằng Tổng thống Erdogan đơn giản chỉ muốn dùng hình ảnh vụ khủng bố ở New Zealand để đáp trả “biểu hiện” của kẻ tấn công, và những gì ông Erdogan nói chỉ nhằm đề cập tới các cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ trong lịch sử.

Chiêu trò vận động

Phản ứng của Úc và New Zealand có thể hiểu được. Lý do ông Erdogan đưa ra những bình luận như vậy, suy cho cùng cũng có thể lý giải. Nhưng dù sao đi nữa, vụ khủng bố New Zealand vẫn xuất hiện trên mặt báo với những lo ngại bùng phát căng thẳng ngoại giao.

Nhưng cũng có thể mọi chuyện sớm êm xuôi, nếu đây chỉ đơn giản là một chiêu trò câu kéo dư luận của Tổng thống Erdogan.

Đây không phải lần đầu ông Erdogan tạo ra sự phản ứng đối với nước khác bằng những tuyên bố đề cập tới các nước ấy.

Hãng tin AP lưu ý rằng đa phần các trường hợp dạng này thường đặc biệt xuất hiện trước các giai đoạn bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy phát biểu của ông Erdogan chỉ nhằm mục đích kích thích phản ứng của những người theo chủ nghĩa dân tộc, và xây chắc sự ủng hộ dành cho bản thân mình thông qua việc đại diện cho quốc gia.

Và như một hệ quả thường thấy, ông Erdogan thường tìm cách xoa dịu quan hệ đối ngoại sau bầu cử.

Ví dụ năm 2017, trước giai đoạn bỏ phiếu trưng cầu về việc mở rộng phạm vi quyền lực cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cũng chỉ trích Hà Lan và Đức. Khi ấy lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đem chuyện lịch sử ra nói, đề cập tới phát xít.

Trước cuộc bầu cử địa phương năm nay, ông Erdogan cũng lao vào cuộc khẩu chiến với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, và liên tục chỉ trích Liên minh châu Âu về chính sách nhập cư, cũng như mô tả châu Âu đang tồn tại một “nỗi ám ảnh với đạo Hồi”.

Cuộc bầu cử địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 31-3. Nền kinh tế nước này đang sa sút, và đảng của ông Erdogan thực chất đang đối diện khả năng thua ở thủ đô Ankara.

Theo Nhật Đăng / tuoitre.vn