Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tiếng Đức và cơ hội việc làm cho người tị nạn ở Đức

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com/

TBVĐ- Kỹ năng ngôn ngữ đang mở rộng cánh cửa hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Đức cho nhiều người tị nạn, mà ngôn ngữ chính là yếu tố then chốt.

Người tị nạn là một trong những thách thức lớn nhất đối với Đức ngày nay, khi hàng trăm ngàn người tiếp tục tìm đến nước này mỗi năm. Nhiều người cho rằng, thách thức lớn nhất nằm ở vấn đề giải quyết việc làm cho số lượng người này, và những số liệu gần đây nhất cho thấy tình hình hiện đang rất khả quan.

Khoảng 300.000 người tị nạn hiện đã có công việc, tăng 88.000 người so với năm ngoái, theo số liệu được Văn phòng Lao động Liên bang (BA) công bố hôm thứ ba vừa qua. Đồng thời, khoảng 482.000 người tị nạn khác đã được ghi nhận tìm kiếm việc làm vào tháng Bảy, trong đó có rất nhiều người tham gia vào các khóa học về ngôn ngữ và hội nhập. 187.000 người khác được ghi nhận là thất nghiệp.

“Tất cả mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp”, Chủ tịch BA Detlef Scheele cho biết. “Đây là những con số tốt, đặc biệt là khi chúng ta cân nhắc đến việc những người này đến đây vì lý do nhân đạo chứ không phải lập nghiệp.”

Những người tị nạn trên thuộc 8 quốc gia chính (Afghanistan, Eritrea, Iraq, Iran, Nigeria, Pakistan, Somalia và Syria), đây là các quốc gia mà Đức tiếp nhận nhiều nhất kể từ năm 2016. Ông Scheele còn cho biết, phần lớn trong số 300.000 người đã có việc hiện đang được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội của Đức.

Bí quyết nằm ở ngôn ngữ

Những con số tích cực trên đa phần bắt nguồn từ việc cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, ông Scheele cho biết rằng, và việc học tiếng Đức vẫn là yếu tố quan trọng nhất khi ứng tuyển.

“Hiện nay chúng tôi có nhiều người tị nạn trẻ hơn, những người đã dành nhiều thời gian hơn trong các trường học chính thống Đức, và do đó nói tiếng Đức tốt hơn”, ông nói.

Các con số liên quan đến phổ cập giáo dục cũng khá đồng nhất với nhận định trên, theo Scheele, khi khoảng 28.000 người tị nạn trẻ tuổi đã học được ít nhất một nghề.

Ông cũng ca ngợi chính sách “đào tạo kết hợp”, cho phép những người tị nạn học tiếng Đức song song với đào tạo nghề.

Vẫn còn rất nhiều việc phía trước

23.000 người mới đến đã được hưởng lợi từ các khóa học như vậy kể từ năm 2016. Tuy nhiên, ông Scheele cũng cảnh báo rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, và sẽ cần nhiều thời gian để những người tị nạn quen được với nghề nghiệp mới. “Những con số này không thay đổi được thực tế là vấn có rất nhiều người đến Đức tị nạn mỗi năm,” ông nói. “Và thành thạo tiếng Đức trong thời gian ngắn như một hai năm là bất khả thi.”

Hoàng Phú