Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tìm tiếng nói chung để chống lại biến đổi khí hậu

Trong khi thế giới ngày càng chứng kiến sự khắc nghiệt của các hiện tượng thời tiết cực đoan, một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Brazil, lại thiếu thiện chí trong việc chung tay chống biến đổi khí hậu.

Không khẩn cấp như xử lý thảm họa thiên nhiên song biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên thảo luận trong chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu 2018 (COP 24) diễn ra từ ngày 2 đến 14-12 tại TP Katowice, Ba Lan.

COP 24 diễn ra trong bối cảnh thế giới ngày càng chứng kiến sự khắc nghiệt của các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự thiếu thiện chí của một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Brazil, trong việc chung tay chống biến đổi khí hậu.

Ngay cả khi chúng ta chứng kiến những ảnh hưởng tàn phá của thời tiết trên toàn thế giới, chúng ta vẫn chưa hành động đủ, chưa tiến đủ nhanh để ngăn cản những sự tàn phá thảm khốc và không thể đảo ngược của thời tiết

Tổng thư ký LHQ ANTONIO GUTERRES

Thỏa thuận của trách nhiệm, niềm tin

Tại COP 24, các nước đang đối mặt với thảm họa môi trường nhãn tiền đã kêu gọi những nước giàu nhưng phát thải nhiều hỗ trợ họ thoát khỏi tình thế khó khăn. Từ những sông băng tan chảy ở Nepal cho tới nước biển dâng, đe dọa nhấn chìm nhiều quốc đảo nhỏ bé.

Rõ ràng thế giới đã và đang trải qua những hậu quả trông thấy nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được kiểm soát. Thỏa thuận khí hậu Paris cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C và ở mức lý tưởng là 1,5 độ C nếu có thể.

Để làm được điều đó, các nước giàu hơn phải hỗ trợ ngân sách 100 tỉ USD mỗi năm vào năm 2020 để giúp các nước đang phát triển chuyển sang sử dụng năng lượng xanh hơn, đồng thời giảm lượng phát thải của chính họ.

Các nước đang phát triển phàn nàn những nước giàu hơn lại đang hành động chưa đủ để giúp họ. Ông Jim Yong Kim, chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, những nước nghèo nhất và dễ tổn thương nhất thế giới cũng là những nước đối mặt với nguy cơ lớn nhất của biến đổi khí hậu. Từ đó, WB kêu gọi cộng đồng toàn cầu chung tay với họ, hỗ trợ nhóm các nước này.

Nguy cơ từ “hiệu ứng Trump”

Sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump đã tuyên bố rút nước này khỏi thỏa thuận Paris 2015. Đây là một thỏa thuận dựa trên niềm tin và các cam kết thiện chí, chân thành của các bên. 

Nhưng với tuyên bố rút khỏi nó, ông Trump đã thể hiện một quan điểm ngược lại những nền tảng đó. Quyết định của ông Trump là “cú đánh” rất mạnh giáng vào niềm tin về tiến trình thực thi thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Đã có những lo ngại “hiệu ứng Trump” sẽ khiến ý chí chính trị ở thỏa thuận này sẽ nhạt dần khi các cuộc đàm phán còn kéo dài. Trên thực tế, theo Hãng tin AFP trong ngày 1-12, đã không có bất cứ quốc gia thành viên nào của G20 cử đại diện cấp cao nhất của họ tới tham dự COP 24 ở Ba Lan.

Phát biểu tại COP 24, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gửi đi một thông điệp kêu gọi mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo thế giới cần nghiêm túc nhìn nhận về nguy cơ nóng lên của Trái đất, và phải kiên quyết hành động để tránh được tình trạng tăng nhiệt kinh khủng trước khi kết thúc thế kỷ. Ông Antonio Guterres gọi biến đổi khí hậu là “vấn đề quan trọng nhất chúng ta đang đối mặt”.

Theo D.Kim Thoa / tuoitre.vn