Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tổng thống Đức xin tha thứ vì tội ác của phát xít trong Thế chiến II

Tổng thống Steinmeier xin tha thứ vì tội ác của phát xít Đức trong Thế chiến II, khi dự lễ kỷ niệm cuộc nổi dậy của người Do Thái ở Warsaw năm 1943.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 19/4 cùng Tổng thống Ba Lan, Israel dự lễ kỷ niệm 80 năm cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại phát xít Đức diễn ra tại quận Do Thái cũ của Warsaw, thủ đô Ba Lan.

“Hôm nay, tôi đứng trước mọi người và xin được tha thứ về những tội ác mà người Đức đã gây ra ở đây”, Tổng thống Steinmeier phát biểu tại sự kiện. Ông là tổng thống Đức đầu tiên phát biểu tại lễ kỷ niệm này.

Buổi lễ diễn ra tại Đài tưởng niệm các anh hùng khu Do Thái, nơi diễn ra những cuộc đụng độ ác liệt giữa phong trào nổi dậy với phát xít Đức năm 1943. Cuối ngày hôm đó, ba tổng thống đến giáo đường Do Thái Nozyk ở Warsaw để thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân.

Phát xít Đức tấn công và chiếm đóng Ba Lan năm 1939, sau đó dồn người Do Thái ở Warsaw vào một khu ổ chuột rộng hơn 3 km2 có lính gác vũ trang. Đây là khu ổ chuột lớn nhất trong Thế chiến II. Nhiều người Do Thái đã chết vì đói và bệnh tật, trong khi hầu hết những người còn lại bị đưa đến trại tử thần Treblinka ở phía đông thủ đô Ba Lan.

Người Do Thái ở đây phát động cuộc nổi dậy vũ trang vào ngày 19/4/1943 để ngăn lính Đức chuyển họ đến trại tập trung. Đó cũng là hành động kháng chiến đơn lẻ lớn nhất của người Do Thái chống lại phát xít Đức trong Thế chiến II.

“Chúng ta phải ghi nhớ”, Tổng thống Israel Isaac Herzog phát biểu. “Cái ác đã tồn tại dưới hình thức Đức Quốc xã và đồng bọn. Và cái thiện cũng tồn tại, dưới hình thức các nạn nhân và quân nổi dậy, từ mọi quốc gia”.

Khi cuộc nổi dậy bùng nổ, khoảng 50.000 thường dân đang ẩn náu trong các hầm ngầm ở khu ổ chuột. Phát xít Đức đã đàn áp cuộc nổi dậy cực kỳ tàn bạo và đốt cháy toàn bộ khu vực, biến nó thành đống đổ nát và tro tàn.

Khoảng 7.000 người Do Thái được cho là đã thiệt mạng trong các trận chiến và 6.000 người khác chết trong đám cháy do Đức Quốc xã gây ra ở khu ổ chuột.

“Cuộc nổi dậy là hành động tự sát. Chúng tôi không thể thắng, nhưng chúng tôi phải gây thiệt hại cho chúng”, Halina Birenbaum, 93 tuổi, người sống sót sau cuộc nổi dậy ở khu ổ chuột, kể.

Huyền Lê (Theo AFP)

Nguồn: vnexpress.net