Theo báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu năm 2019, khoảng một nửa số người buộc phải di tản trên thế giới là dưới 18 tuổi. Số trẻ tị nạn và di cư đang độ tuổi đến trường đã tăng 26% kể từ năm 2000 lên đến hiện nay là 18 triệu trẻ em và thường có rất ít cơ hội tiếp cận với hệ thống giáo dục công lập của những nước mà các em đang xin tị nạn. Báo cáo của LHQ cũng nhận thấy người di cư thế hệ đầu tiên chiếm 18% tỷ lệ học sinh ở các nước có thu nhập cao trong năm 2017, hiện là 36 triệu học sinh, tăng 15% so với năm 2005.
Vẫn theo báo cáo, nhiều người nghĩ rằng việc sẽ ổn một khi trẻ di cư đến trường học nhưng thực tế lại không được như vậy. Thông thường, các em có quyền tiếp cận có giới hạn vào hệ thống giáo dục quốc gia nơi họ xin tị nạn. Tuy nhiên, tại 34 nước thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD), chỉ có 32% trẻ di cư có thể đạt được các kỹ năng cơ bản như biết đọc, biết làm toán và hiểu khoa học năm 2015. Thậm chí, ngay cả nếu trẻ không bị loại trừ hoàn toàn khỏi hệ thống giáo dục, các nước chủ nhà cũng thường bị thiếu nguồn lực để cung cấp cho các lớp học và đảm bảo cho sự hội nhập của trẻ tị nạn. Ngay cả ở châu Âu, các học sinh tị nạn gần như có khả năng bỏ học sớm hơn gấp hai lần so với học sinh bản xứ.
Báo cáo cho biết sự thiếu hụt giáo viên và kinh phí đang cản trở những nỗ lực giúp đỡ trẻ em di cư hòa nhập. Quốc gia giàu có như Đức cũng đang cần đến 42.000 giáo viên mới để có thể dạy trẻ em tị nạn vì một phần của chính sách mở cửa của Thủ tướng Đức Angela Merkel ban hành từ năm 2015 đã bị cắt giảm nghiêm trọng. Nói với hãng tin Funke, Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Müller cho biết Đức sẽ xem xét tăng nguồn tài trợ cho giáo dục thanh thiếu niên trong các tình huống khẩn cấp như chiến tranh từ 16 triệu EUR đến 31 triệu EUR.
Lebanon và Jordan là hai quốc gia có số người tị nạn bình quân trên đầu người cao nhất khi dân chúng lánh nạn khỏi cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria đã áp dụng các lớp học riêng biệt buổi sáng cho công dân và buổi chiều cho trẻ em tị nạn.
Các nước thu nhập thấp và trung bình như CH Chad, Ethiopia và Uganda lại là những quốc gia hàng đầu trong nỗ lực hội nhập trẻ em tị nạn đến trường. Báo cáo cũng ca ngợi Canada và Ireland như những nước đi đầu trong việc áp dụng các chính sách giáo dục hòa nhập.
So với trẻ em và thanh thiếu niên trên thế giới, khoảng cách về cơ hội tiếp cận giáo dục đối với trẻ tị nạn ở tuổi đi học ngày càng bị nới rộng hơn bao giờ hết. UNESCO cho biết trong 2 năm kể từ ngày thông qua Tuyên bố New York về Người tị nạn và Di cư năm 2016, người tị nạn đã bỏ lỡ 1,5 tỷ ngày đến trường. Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay kêu gọi chúng ta phải hành động dứt khoát ngay từ bây giờ để đấu tranh cho những thiệt thòi trong giáo dục mà người di cư và người tị nạn đang phải chịu.
Theo Hạnh Chi / sggp.org.vn