TBVĐ- Kể từ ngày 14-9-2019, Qui định thứ hai của Châu Âu về các dịch vụ thanh toán sẽ có hiệu lực, bao gồm những hướng dẫn chi tiết trong việc giao dịch trực tuyến.
Mã iTAN là danh sách gồm 100 số mật mã giao dịch được lập chỉ mục trên giấy, do ngân hàng gửi qua đường bưu điện về nhà cho khách hàng, dùng xác nhận các giao dịch chuyển khoản trên mạng trực tuyến. Bởi phương pháp này trong thời đại số hóa toàn cầu bắt đầu lỗi, nhiều ngân hàng đã và đang dần loại bỏ nó. Dự tính muộn nhất đến tháng 9-2019 sẽ là hạn chót cho việc này.
Kể từ ngày 14-9-2019, Qui định thứ hai của Châu Âu về các dịch vụ thanh toán sẽ có hiệu lực, bao gồm những hướng dẫn chi tiết trong việc giao dịch trực tuyến. Theo Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng Nordrhein-Westfalen, qui định này
yêu cầu khách hàng giao dịch trực tuyến phải hợp pháp hóa quyền sử dụng dịch vụ thanh toán bằng hai hệ số – một là mã số TAN và thêm một mã số nhận dạng. Trong tương lai, những qui trình nhận dạng và xác thực mã số sẽ ngày càng được cải tiến hơn, bao gồm máy nhận và phát TAN, mã số TAN hình ảnh hoặc TAN gửi qua di động. Đây đều là những biện pháp giao dịch an toàn và có thể phòng được tình trạng lạm dụng hoặc nguy cơ bị hack.
Qui định mới về các dịch vụ thanh toán chỉ ra một trường hợp ngoại lệ mà các ngân hàng có thể không đòi hỏi mã số xác thực phức tạp như nói trên – đó là khi khoản tiền giao dịch nhỏ, chưa đến 30 Euro. Tuy nhiên, khách hàng cũng chỉ được thanh toán trong giới hạn tối đa là 5 khoản giao dịch nhỏ như vậy, và tổng số tiền của tất cả những lần giao dịch không được vượt quá 100 Euro.
Các chuyên gia bảo vệ người tiêu dùng đồng thời nhấn mạnh rằng, chỉ một mình phía ngân hàng sẽ phải chịu mọi tổn thất, nếu tự từ bỏ việc nhận dạng khách hàng theo qui định mới nói trên. Khách hàng lúc này không phải chịu trách nhiệm điều gì – tất nhiên, nếu họ không cố ý gây ra thiệt hại đó.
Minh Quân