Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tương lai thách thức sau 100 năm ‘phép màu’ kinh tế Đức

Hình ảnh minh họa được tạo bởi Dall E 3

Vươn lên mạnh mẽ sau siêu lạm phát, Đại suy thoái và bại trận Thế chiến II, “phép màu” kinh tế Đức giờ gặp thử thách mới.

Tháng 11/1923, người ta đẩy những chiếc xe cút kít chất đầy tiền mặt qua các con phố để mua một ổ bánh mì. Từ 120 tỷ mark (nội tệ cũ của Đức) lưu hành trong nền kinh tế năm 1921, các nhà máy của chính phủ in ra hàng núi tiền giấy. Tháng 10/1923, mệnh giá 2.500 triệu tỷ mark được lưu hành và vọt lên 400.000 triệu tỷ mark những tháng sau đó. Giai đoạn siêu lạm phát nghiêm trọng đến mức một USD trị giá 1.000 tỷ mark. “Không bao giờ nữa” là lời tuyên bố kể từ đó.

Nhưng siêu lạm phát chỉ là thử thách lớn đầu tiên trong 100 năm kinh tế Đức vừa qua. Đất nước này còn thành công trong việc vượt qua Đại suy thoái và thất bại Thế chiến II. Sau đó, Đức phục hồi ngoạn mục những năm 50 và 60 mạnh mẽ đến nỗi được ca ngợi là “Wirtschaftswunder”, hay “phép màu kinh tế”.

Nhưng “phép màu” hiện gặp rắc rối. Hôm 8/11, báo cáo thường niên của Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức cho biết nền kinh tế này sẽ suy thoái năm nay và chỉ phục hồi nhẹ vào 2024. Họ dự kiến GDP Đức 2023 sẽ giảm 0,4%, tương đồng với dự báo của chính phủ. Năm sau, các chuyên gia dự báo mức tăng trưởng là 0,7%, thấp hơn nhiều so với mức 1,3% mà chính phủ dự kiến. Do đó, triển vọng tăng trưởng trung hạn đang ở mức thấp nhất mọi thời đại.

The Guardian cho rằng có 3 yếu tố cơ bản đang tạo ra thách thức mới cho kinh tế Đức, gồm: cuộc chiến ở Ukraine, tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc và toàn cầu hóa yếu dần. Ngoài ra, còn có những vấn đề sâu xa hơn như dân số già đi và mô hình công nghiệp đang già cỗi.

Sản xuất công nghiệp nước này đã giảm 5 tháng liên tiếp và thấp hơn 7% so với mức trước đại dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Đức sẽ là nền kinh tế yếu nhất trong nhóm G7 (Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) năm nay và là nước duy nhất chứng kiến sản lượng giảm.

Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng ING, cho biết vấn đề của Đức là sự kết hợp của yếu tố chu kỳ và cơ bản. Theo chuyên gia, sau khi GDP thu hẹp trong quý III, rất có khả năng nó cũng xảy ra trong ba tháng cuối năm nay. Hai quý giảm liên tiếp sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Đức đã tìm được nguồn năng lượng thay thế để bù đắp lượng khí đốt không còn của Nga, nhưng chi phí lại đắt hơn. Các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Ngoài ra, thành tích xuất khẩu mạnh mẽ của những năm trước đại dịch một phần nhờ nhu cầu lớn từ Trung Quốc, hiện đã chững lại.

Trong khi, ngành công nghiệp ôtô của nước này đang bị tấn công trên hai mặt trận: ôtô điện giá rẻ của Trung Quốc và các ưu đãi do Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Mỹ Joe Biden thu hút đầu tư về nước này. Và theo Brzeski, vấn đề lớn nhất là các công ty Đức đã chậm thay đổi vào những thời điểm thuận lợi. Nó phần nào cho thấy họ thiếu tầm nhìn xa. “Thời kỳ tốt đẹp sắp kết thúc và lẽ ra các công ty nên hành động trước”, ông nói.

David Marsh, Chủ tịch tổ chức nghiên cứu OMFIF đồng ý rằng các vấn đề của Đức không chỉ là tạm thời. “Có điều gì đó cơ bản đang diễn ra. Nhiều lần trong quá khứ, người ta đã nói về suy giảm kinh tế và Đức luôn hồi phục. Lần này có thể khác một chút”, ông nhận định.

Marsh nói rằng sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân năm 2011 tức vài tháng sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản, nước này đã trở nên quá phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng. “Họ bỏ hết trứng vào giỏ Nga”, ông nói.

Hơn nữa, những khó khăn của Đức xảy ra khi họ là thành viên của eurozone, vốn ít sự chủ động trong công cụ tiền tệ để cải thiện tình hình bản thân. Theo Marsh, nếu Đức vẫn có đồng tiền riêng, họ sẽ còn lựa chọn giảm giá đồng tiền để lấy lại khả năng cạnh tranh.

Ngân hàng trung ương của Đức (Bundesbank) đã trở thành biểu tượng cho sự thành công sau chiến tranh của đất nước. Họ hoàn toàn độc lập và từng có vai trò đảm bảo không để xảy ra những ngày lạm phát đen tối năm như năm 1923, khi một con tem bưu chính có giá ngang bằng một biệt thự vài năm trước đó.

Nhưng từ khi thành lập Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cách đây một phần tư thế kỷ, Bundesbank không còn ấn định lãi suất hay chịu trách nhiệm ổn định giá cả. Dù vậy, Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel vẫn là người có ảnh hưởng trong và ngoài nước.

Phát biểu tại London tuần qua, Nagel thừa nhận việc Đức quá phụ thuộc vào khí đốt của Nga là một sai lầm, nhưng bày tỏ sự lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế. “Một số người nói rằng Đức là kẻ ốm của châu Âu. Tôi không tin trường hợp này xảy ra”, ông cho biết.

Theo Nagel, một nền kinh tế lớn như Đức hiện gặp phải các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sự suy thoái ở Trung Quốc là không có gì đáng ngạc nhiên. “Chúng tôi không nghĩ đến một cuộc hạ cánh cứng (kinh tế lao dốc mạnh và đột ngột)”, ông nhận định.

Chủ tịch Bundesbank tin tưởng vào khả năng đương đầu thử thách của các doanh nghiệp Đức như những gì họ đã vượt qua trong 100 năm qua. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận việc thoát khỏi tình thế hiện tại sẽ không dễ dàng.

“Vấn đề không chỉ là năng lượng mà chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi, cùng với vai trò của Trung Quốc, nhân khẩu học và dân số già. Tôi không đánh giá thấp sự sẵn sàng của các công ty Đức trong việc thích nghi và tồn tại, nhưng đây sẽ là một quá trình lâu dài và khó khăn”, ông nói.

Phiên An (theo The Guardian)

Nguồn: vnexpress.net