TBVĐ- Việc sinh ra, lớn lên, đi học trường “Tây” nhưng ở nhà nói tiếng mẹ đẻ đã tạo cho thế hệ trẻ em Việt Nam nói riêng và gốc ngoại quốc nói chung ở Đức một lợi thế mà chỉ một số ít trong số trẻ em Đức cùng tuổi có được. Đó là khả năng hiểu, nói, xa hơn là đọc và viết song ngữ Việt-Đức.
Ở một số trường hợp đặc biệt còn có thể là đa ngữ Việt-Đức-Hoa như ví dụ của cháu Trần Hoa Anh Kassandra, con gái 2 tuổi của anh Trần Vinh Minh và chị Trần Thị Song. Cha người Hoa, mẹ người Việt và sống ở Đức là nguyên nhân làm cho cháu có thể nói 3 thứ tiếng một cách trôi chảy. Thực tế cho thấy trẻ em Việt Nam ở lứa tuổi nhà trẻ mẫu, giáo thường có khả năng nói hai thứ tiếng Việt- Đức song song. Khi sang tuổi mẫu giáo lớn và bắt đầu đi học, thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà, bạn bè Đức nhiều thêm, hay xảy ra hiện tượng vốn tiếng Đức của các cháu ngày càng dày thêm và cùng với việc này là trình độ tiếng Việt hạn chế dần. Tiếng Đức đã trở thành tiếng mẹ đẻ và các cháu diễn đạt một ý tưởng nào đó bằng tiếng Đức đơn giản hơn nhiều. Đây là điều không thể tránh khỏi nhưng các bậc cha mẹ có thể lưu ý một số biện pháp để giữ cho con mình, ở một mức độ nào đó, không quên được tiếng mẹ đẻ đích thực là tiếng Việt.
Trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà, nên tập cho các cháu thói quen nói bằng tiếng Việt và nói đúng cú pháp. Tránh để các cháu nói pha trộn, kiểu như “mẹ ơi, con đi Schule đây” hay “con cũng”. Khi các cháu diễn đạt chưa đúng, cần sửa ngay và lưu ý để chúng nhớ. Chúng ta nên bắt đầu từ những ví dụ rất đơn giản với việc lưu ý trẻ nhỏ: “Người Việt ta không nói thế mà nói thế này:…”
Các hội người Việt Nam nên tổ chức nhiều khóa dạy tiếng Việt. Một số giáo viên thực sự có trình độ chuyên môn sư phạm, kinh nghiệm và tâm huyết. Đây là một khả năng rất tốt mà nhiều vị phụ huynh đã bỏ qua. Việc tham gia một lớp học tiếng Việt tạo cho trẻ em thói quen nói, viết, học trong môi trường Việt, góp phần tăng cường khả năng ngôn ngữ và cũng đóng góp một phần cho việc xây dựng nhân cách Việt Nam.
Có một biện pháp rất hiệu quả đã được kiểm chứng để giữ gìn vốn tiếng Việt cho các cháu là hàng năm cho các cháu về Việt Nam. Trong môi trường gia đình, anh chị em họ hay bạn bè ở quê hương, các cháu bắt buộc phải nói tiếng Việt. Trẻ em học rất nhanh, nhất là khi chơi. Chỉ sau 4 đến 6 tuần, nhiều vị phụ huynh đã sửng sốt khi thấy con mình nói tiếng Việt “như thật”.
Duy trì hai thứ tiếng thật sự là một lợi thế của trẻ em Việt Nam khi bắt đầu học thêm các ngoại ngữ khác ở lớp lớn. Việc quen diễn đạt, phát âm song ngữ Việt-Đức sẽ tạo cho các cháu khả năng làm quen và tiếp thu các ngoại ngữ khác với từ vựng, ngữ pháp hay cách phát âm khác, một cách đơn giản hơn rất nhiều so với các bạn Đức thường chỉ nói một thứ tiếng và phản xạ theo kiểu tiếng Đức.
Hoài Nam