Chính phủ Malta đã mở chương trình kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Malta để được cấp quốc tịch Malta. Đằng sau chương trình này là nhiều nghi vấn trốn thuế, hối lộ, sử dụng địa chỉ giả.
Malta mở chương trình dành cho các cá nhân đầu tư vào Malta (IIP) vào đầu năm 2014. Malta đã sửa đổi chương 188 của Luật Quốc tịch năm 2013 và ban hành nghị định LN47 năm 2014 nhằm cấp quốc tịch qua chương trình IIP.
“Visa vàng” giá 1,2 triệu euro
Để được cấp quốc tịch Malta, về tài chính đương đơn chính phải nộp 650.000 euro cho chính phủ Malta, mua trái phiếu Malta và phải mua nhà ở Malta. Tổng cộng chi phí khoảng 1,2 triệu euro.
Cá nhân được cấp quốc tịch Malta có thể kinh doanh tại Malta và có hộ chiếu đến hơn 160 quốc gia không cần visa, trong đó có Mỹ. Cá nhân ấy cũng đương nhiên trở thành công dân châu Âu và có thể cư trú tại một trong 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Từ năm 2014 đến nay đã có khoảng 800 gia đình gồm 3.200 người nhận được quốc tịch Malta qua chương trình IIP.
Chính phủ Malta giữ bí mật về quốc tịch và danh tính của các cá nhân này. Song 45 nhà báo tham gia dự án Daphne đã thu thập nhiều tài liệu cho thấy phần lớn các cá nhân được cấp quốc tịch Malta theo chương trình IIP là người Nga. Trong đó có hai vợ chồng ông Vadim Vasilyev, phó chủ tịch câu lạc bộ bóng đá AS Monaco ở Pháp.
Trả lời kênh truyền hình France Info (Pháp), tỉ phú Vasilyev không giải thích vì sao ông lại chọn Malta để được cấp quốc tịch. Ngoài ông Vadim Vasilyev còn có ông Arkady Volozh – người sáng lập trang tìm kiếm Yandex của Nga với tài sản trị giá hơn 1 tỉ USD.
Không phải ai cũng sử dụng quốc tịch Malta để đi chơi vòng vòng châu Âu cho vui. Một số người đã sử dụng quốc tịch Malta để tránh thuế.
Từ khi châu Âu thiết lập mạng lưới tự động trao đổi thông tin giữa các quốc gia, nếu công dân Pháp mở tài khoản ở Thụy Sĩ, nước này sẽ thông báo cho Pháp biết.
Tuy nhiên nếu công dân Pháp đó xuất trình hộ chiếu Malta, thông tin về tài khoản sẽ được Thụy Sĩ thông báo cho Malta nhưng Malta không đánh thuế tài sản ở nước ngoài như ở Pháp.
Bán hộ chiếu là một cách lẩn tránh luật pháp quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng bí mật ngân hàng. Nỗ lực của cộng đồng quốc tế có nguy cơ thất bại vì kiểu bán hộ chiếu này
Ông Pascal Saint-Amans – Giám đốc trung tâm chính sách và quản trị thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)
Trùm nhôm Trung Quốc Lưu Trung Điền
Ngoài vốn đầu tư, đương đơn muốn nhận quốc tịch Malta phải có lý lịch tư pháp trong sạch. Trong quá trình điều tra, các nhà báo tham gia dự án Daphne không tìm thấy trùm tội phạm hay nhà chính trị cấp cao nào trong số các công dân được cấp quốc tịch Malta theo chương trình IIP, song có một số nhân vật đáng chú ý.
Tỉ phú Lưu Trung Điền được xem là người giàu thứ tám ở Trung Quốc và là người được xem là chủ kho nhôm trữ tại kho ngoại quan ở Bà Rịa – Vũng Tàu của Việt Nam mà báo chí Mỹ làm rùm beng vừa qua. Ông trùm nhôm này đang bị Mỹ điều tra vì nghi ngờ trốn thuế.
Tại Malta, Lưu Trung Điền sở hữu căn hộ ba phòng trong một khu phố vắng hoe tại thành phố nhỏ Naxxar. Phóng viên France Info đến hỏi, người thuê nhà cười cười nói chưa từng thấy ông Lưu đến đây.
Tỉ phú Nga Dmitry Doykhen – người sáng lập chuỗi cửa hàng thể thao Sportmaster nổi tiếng ở Nga, cũng sở hữu một căn biệt thự mới sửa sang lại ở thị trấn San Gwann của Malta.
Người hàng xóm đối diện cho biết căn nhà đó lúc trước là garage xe, thuộc về một biệt thự cũ được ngăn thành căn hộ chung cư cách đây ba, bốn năm. Người này cho biết chẳng thấy ai ra vào trừ bà giúp việc và bên trong cũng chẳng có nội thất.
Tóm lại, tỉ phú Dmitry Doykhen cùng ba người khác được cấp quốc tịch Malta theo chương trình IIP đã lấy chung cư đó làm địa chỉ cư trú để hợp thức hóa giấy tờ mà thôi. Tỉ phú Lưu Trung Điền cũng chơi chiêu này.
Công ty luật có lót tay hay không?
Năm 2016, chính phủ Malta hồ hởi thông báo nhờ chương trình IIP, ngân sách Malta đang thâm hụt đã có dư.
Theo số liệu thống kê vào tháng 6-2017, chương trình IIP đã mang lại 684 triệu euro bao gồm tiền mua bất động sản. Song tổ chức Minh bạch quốc tế và Dự án Tố cáo tội phạm và tham nhũng có tổ chức (mạng lưới các nhà báo điều tra) đã ghi nhận nhiều nguy cơ.
Chưa rõ nhà nước hưởng lợi bao nhiêu nhưng trước mắt chắc chắn các công ty trung gian kinh doanh hộ chiếu Malta phải “ôm một mớ”.
Công ty luật Henley & Partners (H&P) do chính phủ Malta chọn ký hợp đồng triển khai chương trình IIP tọa lạc tại đảo Jersey với khoảng 20 chi nhánh trên thế giới. H&P do luật sư Christian Kälin người Thụy Sĩ phụ trách, đứng đầu thế giới về kinh doanh các chương trình đầu tư cấp quốc tịch.
Lúc còn sống, nhà báo nữ Daphne Caruana Galizia đã từng khẳng định H&P lo lót cho ông Joseph Muscat thực hiện chương trình “visa vàng” trước khi ông Joseph Muscat giữ chức thủ tướng Malta vào tháng 3-2013.
Sau đó, luật sư Christian Kälin đã gửi thư cho ông Joseph Muscat đề nghị kiện nhà báo Galizia trước tòa án Anh (tiền bồi thường cao hơn). Vụ điều tra của nhà báo Galizia dang dở sau khi bà bị sát hại vào tháng 10-2017.
“Có lừa đảo ở khắp nơi. Tình hình đang tuyệt vọng”. Đây là câu cuối cùng nhà báo nữ Daphne Caruana Galizia viết hôm 16-10-2017. Ba mươi phút sau, chiếc ô tô chở bà nổ tung gần nhà bà trên đảo Malta.
Vài tuần sau, tổ chức Forbidden Stories do nhà báo điều tra người Pháp Laurent Richard thành lập đã tiến hành dự án Daphne nhằm tiếp tục điều tra các vụ việc tham nhũng ở Malta do bà Galizia khởi xướng. Dự án quy tụ 45 nhà báo của 15 quốc gia đại diện cho 18 cơ quan báo chí. |
Theo Hoàng Duy Long / tuoitre.vn