Ngược với tình trạng thiếu hồi tháng 5, 6, miền Bắc và cả nước sẽ đủ điện, thậm chí thừa trong hai tháng cuối năm 2023.
Trong đó, tại miền Bắc, theo các kịch bản tính toán của A0, sẽ đủ điện, thậm chí thừa. Nếu nhu cầu sử dụng điện tại khu vực này tăng cao và dù có yếu tố rủi ro như sự cố tại các tổ máy hay nhu cầu dùng điện tăng vọt (15%), công suất điện tại miền Bắc vẫn đáp ứng, dư khoảng 1.794-2.597 MW.
Tương tự, tại miền Nam, công suất dự phòng khu vực này dao động 2.194-2.786 MW, ngay cả trường hợp nhu cầu dùng điện tăng 12% so với cùng kỳ 2022 và cao điểm vào buổi tối khi các nguồn điện mặt trời, điện mái nhà không thể huy động.
Nhưng Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia lo ngại, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, để đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống điện miền Nam, có thể tính tới huy động thêm các nguồn điện chạy dầu.
Đánh giá chung về nhu cầu và khả năng đáp ứng của hệ thống điện cả nước, A0 cho hay cơ bản đáp ứng. Công suất khả dụng 46.500-48.915 MW, tức hệ thống có dự phòng (dư) gần 4.500 MW trong hai tháng cuối năm.
Về nhập khẩu điện, A0 cho hay phía Trung Quốc đồng ý bán cho Việt Nam 90-93 triệu kWh điện trong tháng 11 và 12. Ngoài ra, Việt Nam sẽ mua khoảng 387 triệu kWh từ Lào.
Điện mặt trời, điện gió dự kiến huy động lần lượt 14,97 tỷ kWh và 11,4 tỷ kWh đến hết 2023. Các nhà máy nhiệt điện BOT sẽ được huy động theo thứ tự cạnh tranh giá, và nhu cầu hệ thống điện. Chẳng hạn, sản lượng mua bao tiêu Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 là 6,4 tỷ kWh; Phú Mỹ 3 là 4,1 tỷ kWh và Phú Mỹ 2.2 huy động 3,7 tỷ kWh.
A0 kiến nghị vận hành linh hoạt hồ chứa theo lưu lượng nước về, đảm bảo tích nước cuối năm 2023, giảm cấp nước hạ du. Các nhà máy nhiệt điện bám sát kế hoạch sửa chữa thiết bị để tăng khả năng vận hành; không để thiếu than cho sản xuất điện và đẩy nhanh xây dựng các dự án nguồn, lưới cho kế hoạch vận hành năm sau.
Theo Anh Minh / vnexpress.net