Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Võ sư tuổi trẻ tài cao mang võ cổ truyền Việt Nam đến Đức

Võ sư Nguyễn Thành Luân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TBVĐ- Đó chính là Võ sư Nguyễn Thành Luân, một trong những võ sư quốc tế trẻ nhất trong Liên đoàn Võ thuật Việt Nam.

Hãng tin ZDF trước đây từng làm một phóng sự về môn phái Nam Hồng Sơn, một môn pháp võ cổ truyền có trụ sở ở Hà Nội và được võ sư Nguyễn Thành Luân mang đến Đức. Nam Hồng Sơn ngoài vai trò võ thuật, còn được xem như là một điển hình hội nhập giữa người Đức và người Việt Nam tại Đức trên tinh thần thể dục thể thao. Và ZDF bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhìn thấy các em bé người Đức cũng tập được môn võ Việt Nam rất thành công và thậm chí rất giỏi. Hơn nữa các em người Đức và người Việt Nam tập cùng nhau trong một lớp võ đường rất vui vẻ và đoàn kết. Thời báo Việt Đức có cuộc trò chuyện thú vị với người tiên phong mang phái võ Nam Hồng Sơn đến Đức và „gồng gánh“ gần chục năm qua.

Đam mê võ từ khi còn nhỏ

. Phóng viên: Thưa anh, con đường anh đến với đam mê võ thuật bắt đầu từ khi nào và như thế nào?

+ Võ sư Nguyễn Thành Luân: Lần đầu tiên tôi đi tập võ, tìm hiểu đến võ thuật là lúc tôi 10 tuổi, cũng là lúc tôi mới sang đến Đức. Trước đây tôi cũng chỉ vì ở nhà hay xem nhiều phim võ thuật thế nên tôi cảm thấy thích và đã tìm đến một trường võ do một người Đức dạy. Tôi đăng ký để được vào học. Sau hai năm tập luyện, tôi cảm thấy mình rất thích võ thuật. Năm tôi 17 tuổi tôi muốn tìm hiểu thêm sâu hơn nữa về võ thuật nên tôi quyết định về Việt Nam và tìm đến nguồn gốc của tinh hoa võ thuật tại Việt Nam. Vào Năm 2004 tôi đã tìm được đến môn phái Nam Hồng Sơn tai Hà Nôi và đã xin Trưởng môn phái thầy Nguyễn Tỵ cho tôi nhập môn và võ sư Lê Quốc Trung nhận tôi làm môn đệ.

. Phóng viên: Xin anh vui lòng chia sẻ về việc thành lập võ đường Nam Hồng Sơn: Ra đời khi nào? Có bao nhiêu thành viên (võ sư)? Việc thu hút người học Việt Nam và người nước ngoài ra sao?

+ Võ sư Nguyễn Thành Luân: Sau khi thầy Trung nhận tôi làm môn đệ, tôi có kết hợp với một số người bạn Đức cũng rất thích học võ để mời thầy Trung sang Berlin. Thầy Trung sang đến lần thứ ba thì lúc đấy là tôi khoảng 21 tuổi. Có một hôm hai thầy trò có ngồi tâm sự, thầy Trung có nói bây giờ tôi cũng đã nắm được những cơ bản chính của võ thuật và trong nghề võ một việc quan trọng hơn, ngoài tập riêng cho chính mình, là mình phải dạy được cho những người khác, đào tạo được thế hệ sau và phát triển môn phái.

Sau đó thầy đã giúp tôi mở một lớp tại Berlin. Tôi đã thuê được một phòng tập ở ngay gần đồng Xuân vào năm 2007-2008. Sau hai tháng thành lâp võ đường thì thầy Trung phải quay về Việt Nam. Sau một năm lớp võ chỉ có khoảng 10 môn sinh theo tập. Một thời gian dài tôi cũng suy nghĩ không biết là làm như thế nào thu hút được thêm môn sinh để phát triển võ đường. Sau đấy tôi cố gắng đào tạo 10 môn sinh của tôi thật tốt và quyết định cho các em đi biểu diễn và đi thi đấu ở các đại hội võ thuật ở tại Berlin. Sau đó các em tham gia thi đấu và đã đạt được thành tích cao. Từ thời điểm đó mới có nhiều người biết đến Nam Hồng Sơn và càng ngày nhiều người đã tò mò tìm đến võ đường Nam Hồng Sơn – Berlin.

. Phóng viên: Ngoài lý do anh vừa nêu thì còn lý do nào thôi thúc anh quyết định mở ra hoạt động võ thuật cổ truyền tại nước Đức?

+ Võ sư Nguyễn Thành Luân: Ngoài lý do trên đây thì việc tôi chọn phát triển võ cổ truyền Việt Nam ở Đức một phần là do đam mê với võ thuật và phần thứ hai là tôi muốn cho tất cả những người Đức và các em người Việt sinh ra tại Đức biết đến võ cổ truyền Việt Nam, và biết là nước Việt Nam mình có một môn thể thao đặc sắc để chúng ta có thể tự hào.

Gắn kết người Việt người Đức lại gần nhau

. Phóng viên: Được biết, ZDF đã từng làm phóng sự về anh và võ đường Nam

Hồng Sơn, xin anh chia sẻ họ đã đánh giá như thế nào về hoạt động của anh nói riêng và võ đường nói chung?

+ Võ sư Nguyễn Thành Luân: Trước khi làm phóng sự, ZDF cũng đã tìm hiểu một chút về võ đường Nam Hồng Sơn. Họ tìm đến võ đường Nam Hồng Sơn vì lớp võ không phải chỉ là một môn phái võ như những câu lạc bộ võ thuật khác. Nam Hồng Sơn ngoài vai trò võ thuật, còn được xem như là một điển hình hội nhập giữa người Đức và người Việt Nam tại Đức trên tinh thần thể dục thể thao. Và họ thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy các em bé người Đức cũng tập được môn võ Việt Nam rất thành công và thậm chí rất giỏi. Hơn nữa là các em người Đức và người Việt Nam tập cùng nhau trong một lớp võ đường rất vui vẻ và đoàn kết. Ngoài ra môn phái cũng luôn tham gia vào những đại hội võ thuật và đạt được rất nhiều thành tích, đã để cho nhiều người khác biết đến võ cổ truyền Việt Nam. Với cá nhân tôi thì họ bày tỏ sự ngưỡng mộ rằng tôi đã thành lập, duy trì và phát triển võ đường Nam Hồng Sơn được gần 10 năm nay.

. Phóng viên: Trước đây và bây giờ, hoạt động lĩnh vực võ cổ truyền tại Đức có khó khăn nào, thưa anh?

+ Võ sư Nguyễn Thành Luân: Khó khăn về vấn đề phát triển võ thuật ở bên này thì thực sự là trước đây chỉ có một mình tôi đi dạy và phải lo tất cả các việc liên quan đến môn phái. Nhưng khoảng một năm nay thì vấn đề đấy cũng đã thay đổi vì một số môn đệ theo tôi từ những năm đầu tiên bây giờ đã trưởng thành và đã có thể làm giáo viên trợ giúp tôi, và trở thành huấn luyện viên của môn phái. Thế nên tới đây mong muốn của tôi là sẽ mở rộng thêm các chi nhánh dạy võ cổ truyền Việt Nam tại Berlin và thậm chí có thể ở các thành phố khác, để nhiều người biết đến môn phái Nam Hồng Sơn và võ cổ truyền Việt Nam.

Mong muốn mở rộng khắp nước Đức

. Phóng viên: Trong dịp đón năm mới, anh và võ đường Nam Hồng Sơn có những hoạt động nào liên quan đến võ thuật truyền thống (phục vụ cộng đồng kiều bào) hay không?

+ Võ sư Nguyễn Thành Luân: Môn phái Nam Hồng Sơn đã thành lập tại Berlin được khoảng gần 10 năm nay. Trong vòng mười năm chưa lần nào tôi được ăn tết ở Việt Nam, vì hầu như vào những dịp tết là Môn phái Nam Hồng Sơn có rất nhiều các hội đoàn người Việt tại Berlin mời chúng tôi đi biểu diễn võ thuật và múa lân. Ngoài ra vào các dịp tết, môn phái Nam Hồng Sơn luôn tổ chức một buổi tiệc cho tất cả các em môn sinh để các em biết đến phong tục và tết Việt Nam như thế nào.

. Phóng viên: Thưa anh, tầm nhìn của anh đối với võ đường Nam Hồng Sơn trong tương lai là như thế nào?

+ Võ sư Nguyễn Thành Luân: Trong tương lai tôi rất muốn phát triển môn phái Nam Hồng Sơn rộng hơn nữa, cũng như tôi đã kể ở trên là một số môn sinh theo tôi từ năm đầu tiên hiện nay đã trưởng thành, và cũng đang giúp tôi trợ giảng ở trong lớp. Tôi rất mong muốn các em sắp tới sẽ theo nghề võ, theo đam mê như tôi và sẽ phát triển võ cổ truyền Việt Nam, không chi ở Berlin mà còn có thể ở các thành phố khác nữa. Và ước mơ của tôi là môn phái nam Hồng Sơn sẽ được phát triển khắp nước Đức.

. Phóng viên: Xin chân thành cám ơn những chia sẻ của anh! 

Võ sư quốc tế trẻ nhất của Liên đoàn võ thuật Việt Nam

Võ sư Nguyễn Thành Luân bước vào các hoạt động tập luyện võ thuật từ năm 1997 khi mới sang Đức. Tính đến thời điểm hiện nay, anh đã hoạt động võ thuật hơn 20 năm. Từ khi bắt đầu hoạt động võ thuật đến nay, anh đã đạt được rất nhiều giải nhất trong những lần đại hội võ thuật tại CHLB Đức và nhiều quốc gia khác. Điển hình như năm 2002 anh đạt được giải nhất của thành phố Birmingham (Vương Quốc Anh); Năm 2004 anh đạt được giải nhất của thành phố Lyon (Pháp) trong lúc anh đi du học ở đó. Năm 2016 anh được cấp bằng võ sư của Môn phái Nam Hồng Sơn tại Hà Nội. Và gần nhất là vào tháng 12- 2017, Võ sư Nguyễn Thành Luân được Liên đoàn võ thuật Việt Nam cấp bằng võ sư quốc tế tại Paris (Pháp). Ở độ tuổi 32, Võ sư Nguyễn Thành Luân là một trong những võ sư quốc tế trẻ nhất trong liên đoàn.

Văn Hồng (thực hiện)