EU đang chuẩn bị kế hoạch phân bổ năng lượng và ngăn chặn tình trạng mất điện do nhiệt độ giảm vào mùa Đông năm nay. Nhưng điều đó liệu có đủ giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Theo trang tin Politico.eu mới đây, khi mùa Đông đến gần, châu Âu phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt. Trên thực tế sẽ không chỉ là vấn đề khí đốt của EU mà còn là quyết tâm chính trị của khối trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine liên quan đến xung đột với Nga.
Một mùa Đông lạnh giá có thể chứng kiến tình trạng bất ổn chính trị ngày càng gia tăng do giá cả sinh hoạt và chi phí hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine ngày càng suy giảm nếu người dân châu Âu buộc phải chịu đựng tình trạng mất điện và đóng cửa nhà máy. Các nhà phân tích dự đoán, một mùa Đông ôn hòa và nguồn cung cấp năng lượng được bảo đảm là cơ hội cho phép các nhà lãnh đạo EU tuyên bố đối mặt thành công với “vũ khí khí đốt” của Moskva.
Nhưng vẫn còn quá sớm để dự báo một cách chắc chắn về nhiệt độ trong mùa Đông này – hoặc đủ lượng mưa và gió để cung cấp năng lượng để sản xuất năng lượng tái tạo. Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus tại Trung tâm Dự báo Thời tiết châu Âu, nói rằng các thị trường năng lượng trước đây rất chú ý đến dự báo mùa Đông được đưa ra vào tháng 11.
Ông Buontempo nói: “Đến lúc đó, hầu hết các yếu tố quy mô lớn ảnh hưởng đến thời tiết đều đang diễn ra. Nhưng ở giai đoạn này, vẫn còn hơi sớm để dự báo”, lưu ý một đợt lạnh vào tháng 11 năm nay “có nhiều khả năng hơn bình thường”.
Hiện tại, các nhà ngoại giao EU đang thận trọng rằng việc chuẩn bị cho mùa Đông sẽ đủ để tránh viễn cảnh ác mộng khi mất điện. Các cơ sở lưu trữ khí đốt trên toàn EU đã đầy 86% – vượt mục tiêu đạt 80% vào tháng 11. Một nhà ngoại giao EU dự đoán rằng ngay cả khi Moskva cắt 9% khí đốt còn lại của EU đến từ Nga (giảm 40% năm ngoái), khối vẫn có thể tránh được tình trạng mất điện.
Bên cạnh đó, giá khí đốt đã ổn định khi các chính phủ và Ủy ban châu Âu đang tiến hành các biện pháp để cắt giảm nhu cầu và giảm sử dụng năng lượng. Tập đoàn tài chính đa quốc gia Goldman Sachs có trụ sở chính tại Mỹ cho biết gần đây họ dự kiến giá giảm xuống dưới 100 euro mỗi megawatt-giờ (MWh) trong ba tháng đầu năm 2023, thấp hơn so với mức đỉnh kỷ lục của tháng 8 là 346 euro/MWh.
Các nhà lãnh đạo EU có thể đã “thót tim” sau những tín hiệu giá khí đốt và điện tiếp tục leo thang.
Giá khí đốt chỉ tăng trong thời gian ngắn và nhanh chóng lắng xuống, khiến một số nhà phân tích tuyên bố rằng người Nga đã “sai lầm” khi sử dụng “vũ khí” khí đốt lần này. François Heisbourg, cố vấn cấp cao về châu Âu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: “Mọi thứ vẫn tồi tệ, nhưng tình hình đang bắt đầu tốt hơn”. Tương tự, tuyên bố huy động một phần lực lượng dự bị quân sự của Moskva hầu như không làm thay đổi giá khí đốt, vẫn ở mức dưới 200 euro/MWh.
Aslak Berg, một nhà kinh tế học và là cựu cố vấn của Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu và chính phủ Na Uy, cho rằng việc Nga hạn chế nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu đã gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể. Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm: “Đây là điều họ chỉ có thể thực hiện lần”. Nhà kinh tế này nêu rõ: “Hiện tại nó đang gây ra đau đớn – nhưng ảnh hưởng sẽ giảm dần theo thời gian. Nền kinh tế sẽ thích nghi”.
Nếu mùa Đông năm nay có thời tiết không quá khắc nghiệt, tương tự như những năm gần đây, phân tích từ công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự báo rằng châu Âu có thể vượt qua với chỉ hơn 1/4 công suất lưu trữ khí đốt của họ. Nếu Nga cắt tất cả nguồn cung của mình, EU sẽ vẫn còn khoảng khoảng 15% lượng khí còn lại trong kho dự trữ vào cuối mùa Đông.
Tuy nhiên, Kateryna Filippenko, nhà phân tích thị trường khí đốt của Wood Mackenzie cảnh báo: “Có lẽ rủi ro lớn nhất là tình huống thời tiết cực đoan”. Nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung và mùa Đông này có nhiệt độ lạnh giá tương đương với năm 2010-2011, nơi chứng kiến tháng 12 lạnh nhất trong 100 năm ở Anh và nhiệt độ thấp hơn trung bình trên toàn Bắc Âu, thì giá khí đốt sẽ “chắc chắn sẽ tăng”, chuyên gia Filippenko lưu ý.
Điều này có thể khiến cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng bị đóng cửa vĩnh viễn. Sản xuất kim loại và xi măng, cũng như lĩnh vực phân bón và hóa chất sẽ nằm trong số những lĩnh vực có nguy cơ cao nhất.
Ngay cả khi châu Âu vượt qua mùa Đông này mà không bị tổn thương, họ cũng có thể phải đối mặt với thách thức về năng lượng cho năm tiếp theo. Bước sang năm 2023, các nhà phân tích dự đoán rằng việc bổ sung kho dự trữ khí đốt trong năm mới sẽ khó khăn hơn nhiều đối với EU so với năm 2022, điều có thể sẽ khiến giá tăng một lần nữa. Theo đánh giá của Goldman Sachs, đó là bởi vì không giống như năm nay, châu Âu vẫn còn được tiếp cận nguồn cung khí đốt từ Nga.
Do đó, việc EU có thể đảm bảo mức dự trữ khí đốt an toàn năm 2023 nhanh như thế nào một phần sẽ phụ thuộc vào lượng khí đốt còn sót lại từ mùa Đông năm nay. Nhưng điều này lại phụ thuộc vào thời tiết.