Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Đàm phán thành lập chính phủ Đức: Kỳ vọng một sự ổn định

Mặc dù thời hạn chót để các đảng phái ở Đức thành lập chính phủ “đại liên minh” đã kết thúc, các bên vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Vấn đề châu Âu

Trong ngày 5/2 các phiên đàm phán giữa 3 đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Dân chủ Xã hội (SPD) đã được nối lại từ sáng, sau khi các bên không đạt được mục tiêu là hoàn tất thoả thuận trong ngày 4/2. Nội dung chính của các đàm phán trong ngày 5/2 là về vấn đề châu Âu. Trên lý thuyết thì trong các đàm phán tuần trước, liên minh CDU/CSU đã đồng ý sẽ có một số nhượng bộ với SPD trong chủ đề châu Âu và các đàm phán trong ngày 5/2 chính là để cụ thể hoá các nhượng bộ đó.

Kết quả đạt được, theo tuyên bố của Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội – SPD, ông Martin Schulz là các bên đã nhất trí được về việc sẽ có một ngân sách đầu tư dành riêng cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sẽ chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng về ngân sách. Ngoài ra, CDU/CSU và SPD cũng đạt được sự nhất trí trong việc sẽ thúc đẩy việc đánh thuế “chính xác và công bằng hơn” đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đang hoạt động tại châu Âu như Google, Apple, Facebook hay Amazon. Tuy nhiên, tất cả các thoả thuận về châu Âu này đều mới chỉ dừng lại ở các tuyên bố chứ các bên đều chưa đưa ra các con số cụ thể.

Vấn đề đặt ra, dù đã thống nhất được về chiến lược châu Âu nhưng trong ngày 5/2 thì CDU/CSU và SPD vẫn chưa thể giải quyết được một số bất đồng khác nên dù rất được chờ đợi nhưng thoả thuận cuối cùng về lập chính phủ liên minh mới vẫn chưa thể hoàn tất.

Rào cản đối với thành lập liên minh

Hai rào cản lớn nhất ngăn cản CDU/CSU và SPD đạt được thoả thuận là vấn đề luật lao động và y tế. Cụ thể, liên quan đến luật lao động, phía SPD muốn kiểm soát chặt hơn việc các công ty lạm dụng việc ký nhiều hợp đồng ngắn hạn với người lao động để né tránh các nghĩa vụ về chế độ bảo hiểm hay an sinh xã hội. SPD muốn trong trường hợp hết một hợp đồng ngắn hạn đầu tiên, nếu người sử dụng lao động không đưa ra được các chứng minh hợp lý thì sẽ phải ký hợp đồng dài hạn cho người lao động. Tuy nhiên CDU/CSU phản đối đề xuất này và chỉ đồng ý là sẽ ra luật để chặn việc các công ty gia hạn quá nhiều hợp đồng ngắn hạn với lao động.

Liên quan đến vấn đề y tế, SPD muốn thay thế hai hệ thống chăm sóc y tế công-tư hiện đang song hành hiện nay ở Đức bằng một hệ thống chăm sóc y tế hợp nhất dành cho tất cả mọi công dân. Tuy nhiên, đề xuất này cũng chưa nhận được sự chấp thuận của CDU/CSU.

Sở dĩ hai vấn đề này tạo ra trở ngại lớn như thế cho CDU/CSU và SPD là do SPD coi đây là hai mặt trận đối nội quan trọng  nhằm lấy lại sự ủng hộ của cánh thiên tả trong đảng này cũng như của các đảng viên vốn bi quan đối với viễn cảnh SPD lập lại chính phủ liên minh với CDU/CSU. Cần nhắc lại rằng, việc SPD tham gia đàm phán tái lập “Đại liên minh” với CDU/CSU gây ra tranh cãi và chia rẽ rất lớn trong nội bộ đảng SPD bởi nhiều đảng viên đảng này cho rằng việc này sẽ dẫn đến sự tan rã của SPD do kinh nghiệm hai lần liên minh gần đây cho thấy SPD mất nhiều hơn được.

Hệ lụy đối với nước Đức – đầu tàu kinh tế châu Âu

Cho đến lúc nay thì có thể nói, cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức đã ảnh hưởng đến châu Âu bởi việc nước Đức hơn 4 tháng qua không có một chính phủ ổn định khiến cho không chỉ chiến lược phát triển của nước Đức bị treo mà ngay cả các kế hoạch cải tổ tham vọng của Liên minh châu Âu cũng bị đình trệ, do Đức là cường quốc kinh tế số 1 của khối. Châu Âu tuyệt đối không mong nước Đức chìm sâu trong khủng hoảng bởi nếu quốc gia đầu tàu bất ổn thì chắc chắn Liên minh sẽ bị tác động tiêu cực.

Các nhà lãnh đạo Đức của cả 3 đảng phái, CDU/CSU và SPD đều ý thức rõ điều này. Họ hiểu rằng sự kiên nhẫn của người dân Đức cũng như của các đối tác châu Âu đều sắp cạn kiệt nên việc sớm đạt được một thoả thuận là điều bắt buộc. Và theo kế hoạch thì thoả thuận đó phải hoàn tất trong ngày 6/2.

Báo chí Đức đưa tin, cả nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel, thủ lĩnh đảng CDU lẫn các ông Horst Seehofer Chủ tịch CSU và Martin Schulz Chủ tịch SPD đều muốn công bố Thoả thuận liên minh trong ngày hôm nay. Và sau chừng đó chậm trễ, với rất nhiều tác động lên chính trường và bầu không khí kinh tế-xã hội Đức cũng như châu Âu, bây giờ là thời điểm để nước Đức chấm dứt thế bế tắc chính trị từ tháng 9/2017 đến nay./.

Theo Quang Dũng / vov.vn