Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

5 lý do hàng đầu khiến điện thoại của bạn ngày càng chậm

Ảnh minh họa: https://pixabay.com

Sau một thời gian dài sử dụng, chiếc điện thoại thông minh ngày càng trở nên nặng nề và chậm chạp khiến nhiều người dùng cảm thấy khó chịu. Không phải chỉ riêng hệ điều hành Android mà ngay cả iOS cũng gặp trường hợp tương tự.

Có một số nguyên nhân tiềm ẩn nhưng do sử dụng hàng ngày bạn không để ý đến. Dưới đây là 5 nguyên nhân hàng đầu khiến chiếc điện thoại của bạn ngày càng trở nên ì ạch.

Nâng cấp hệ điều hành

Khi bạn mua một chiếc điện thoại mới thường đi kèm với một hệ điều hành cụ thể. Đối với Android hiện nay version tối thiểu là 5.0 và đối với iOS thì version 7.0. Các hệ điều hành này thường được phát triển khá lâu và đi kèm với thiết bị phần cứng phù hợp ở tại thời điểm đó.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, hệ điều hành ngày càng phát triển nhiều chức năng được thêm vào nhằm mang đến những tiện lợi cho người sử dụng, chính vì thế đòi hỏi phần cứng trên điện thoại cũng phải được nâng lên để xử lý cũng như vận hành. Đó chính là nguyên nhân đầu tiên khiến chiếc điện thoại của bạn ngày càng trở nên chậm đi đáng kể so với lúc mới mua.

Một giải pháp đối với các thiết bị cũ đang sử dụng, bạn chỉ nên cập nhật những bản nâng cấp nhẹ, ví dụ từ Android 5.0 lên 5.1 hoặc 5.1.1, tránh những bản nâng cấp lớn như từ Android 5.0 lên 7.0. Hãy luôn giữ thiết bị của bạn với các bản hệ điều hành đi kèm trừ khi bạn thật sự cần những tính năng đặc biệt chỉ có ở phiên bản hệ điều hành mới

Cập nhật ứng dụng

Đây chính là thủ phạm chính gây ra tình trạng bị chậm trên thiết bị của bạn, kể cả những ứng dụng được xem là “nhẹ” cũng sẽ trở nên “nặng” theo thời gian.

Thường trên một thiết bị di động, bạn sẽ luôn cảm thấy “thiếu thốn” khi sử dụng buộc phải cài đặt thêm từ các ứng dụng từ hãng thứ 3 thông qua các kho ứng dụng miễn phí như CHPlay hay Appstore. Các ứng dụng này sẽ được nhà phát triển nâng cấp thường xuyên theo thời gian nhằm mục đích sửa những lỗi nhỏ, thêm tính năng mới… chính những điều này làm cho ứng dụng ngày càng nặng và chiếm nhiều bộ nhớ RAM, CPU. Đối với những thiết bị cũ, do phần cứng không được nâng cấp dẫn đến tình trạng hiệu suất sẽ bị giảm đáng kể.

Một ứng dụng điển hình và thường xuyên sử dụng nhất hiện nay chính là Facebook, các bạn còn nhớ ở thời điểm năm 2014 ứng dụng này chạy khá mượt mà. Đến thời điểm hiện tại, với nhiều bảng nâng cấp thay đổi giao diện, tính năng, sửa lỗi,… ứng dụng này ngày càng chiếm nhiều bộ nhớ RAM hơn. Nếu như sử dụng ứng dụng Facebook năm 2014 lên các thiết bị mới ở thời điểm hiện tại bạn vẫn cảm thấy thiết bị hoạt động bình thường, tuy nhiên khi cài đặt ứng dụng Facebook hiện tại lên các thiết bị cũ bạn sẽ thấy ngay hiệu năng trên máy giảm đáng kể và hay có hiện tượng “lag”.

Để giảm được hiện tượng này, lời khuyên tốt nhất bạn chỉ nên cài đặt những ứng dụng thật sự cần thiết, những ứng dụng không thường xuyên sử dụng nên xoá bỏ để tránh hiện tượng cập nhật thường xuyên cũng như hoạt động ngầm trên máy khiến thiết bị của bạn trở nên chậm chạp.

Ảnh minh họa: pixabay.com

Ứng dụng chạy nền

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chiếc điện thoại của bạn ngày càng trở nên chậm chạp. Thói quen sử dụng khi bạn thoát ứng dụng không có nghĩa là ứng dụng đó đã hoàn toàn được giải thoát mà sẽ còn nằm lại trong bộ nhớ RAM để lần sau khi bạn kích hoạt lại, ứng dụng sẽ được khởi động nhanh chóng hơn. Chính vì điều này sẽ có nhiều ứng dụng sẽ được đưa vào bộ nhớ RAM gây tình trạng chiếm toàn bộ RAM khiến trong quá trình sử dụng không đủ bộ nhớ để hoạt động những ứng dụng khác gây tình trạng chậm máy.

Một điểm nữa, chính những ứng dụng này luôn hoạt động ngầm khiến cho chiếc điện thoại của bạn sẽ hao pin hơn ngay cả trong trường hợp điện thoại của bạn ở chế độ standby.

Cách khắc phục duy nhất là bạn nên tắt hẳn các ứng dụng sau khi sử dụng, vào phần cài đặt kiểm tra các ứng dụng đang hoạt động ngầm và chiếm nhiều dung lượng pin nên tắt bớt. Bạn cũng nên thường xuyên reset chiếc điện thoại của mình để giải phóng hết bộ nhớ RAM trên máy.

Thoái hoá bộ nhớ

Những chiếc điện thoại hay máy tính bảng hiện nay đều chạy trên bộ nhớ flash phổ biến nhất hiện nay được gọi là NAND. Ưu điểm của NAND chính là giá tốt và tốc độ truyền nhanh nhưng kèm theo đó là một vài nhược điểm ảnh hưởng đến hiệu suất.

Bộ nhớ NAND cần một lượng bộ nhớ trống để vận hành tốt ở hiệu suất tốt nhất. Tuy nhiên nếu như bộ nhớ NAND đầy dung lượng sẽ kéo theo hoạt động ở mức thấp nhất. Bộ nhớ NAND này cũng sẽ bị suy thoái theo thời gian vì các ô nhớ đều có giới hạn ghi và xoá, khi đã đạt đến giới hạn các ô nhớ bị bào mòn và sẽ dẫn đến giảm hiệu suất. Khi sử dụng thiết bị, việc ghi dữ liệu và suy giảm hiệu xuất là không thể tránh khỏi.

Tốt nhất bạn nên luôn giữ bộ nhớ của bạn chỉ ở mức dưới 75% sẽ giúp bạn kéo dài tuổi thọ ô nhớ đồng thời làm trì hoãn sự xuống cấp của bộ nhớ.

Cảm giác điện thoại bị chậm

Nguyên nhân cuối cùng chính là do tâm lý của bạn. Bạn tự cảm nhận thấy điện thoại của mình chậm hơn nhưng thật sự nó không chậm. Nguyên nhân chính dẫn đến việc này chính là hiện nay có quá nhiều hãng điện thoại trên thế giới đang đua nhau về phần cứng, trang bị nhiều tính năng cao cấp dẫn đến tình trạng bạn đang “tự ti” với phần cứng trên thiết bị mà mình đang sử dụng cho dù nó là một sản phẩm rất tốt ở thời điểm bạn mua.

Hơn nữa, khi xung quanh bạn có nhiều người đang nâng cấp lên một chiếc điện thoại mới với những phần cứng mạnh mẽ khiến bạn cũng cảm thấy điện thoại của mình đã lỗi thời và cần phải nâng cấp ngay một chiếc điện thoại mới.

Theo Tuấn Trương / nguoiduatin.vn