Thỏa thuận về một lực lượng hỗ trợ quân sự chung giữa 9 nước, trong đó có Anh, cho phép Anh tiếp tục tham dự vào một hoạt động chung của khối ngay cả sau khi đã rời EU năm 2019.
Theo trang Politico, ngày 25-6 Bộ trưởng quốc phòng của 9 nước EU gồm Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã cùng cam kết ký thành lập lực lượng can thiệp quân sự chung của châu Âu, hỗ trợ nhau trong tình huống nguy cấp.
Sáng kiến Can thiệp châu Âu (European Intervention Initiative) là ý tưởng đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trình bày trong các kế hoạch về cần có một lực lượng quốc phòng riêng của châu Âu hồi tháng 9 năm ngoái.
Lực lượng phòng vệ chung này sẽ được giao trách nhiệm điều động nhanh chóng binh sĩ trong những tình huống khủng hoảng gần các khu vực biên giới của châu Âu.
Bộ trưởng quốc phòng Pháp – bà Florence Parly, cho biết mục tiêu của sáng kiến này là giúp “các lực lượng vũ trang của chúng ta hiểu về nhau hơn và cùng nhau hành động”.
Bà Parly cũng cho rằng với sự đồng thuận, châu Âu sẽ “lường trước được các cuộc khủng hoảng và phản ứng nhanh chóng, hiệu quả”.
Sáng kiến này sẽ khác với một thỏa thuận quốc phòng khác của châu Âu gọi tắt là PESCO, bao gồm tất cả các nước thành viên EU ngoại trừ Anh, Malta và Đan Mạch.
Tuy nhiên trong phần thảo luận về các nguyên tắc hoạt động của PESCO, các bộ trưởng quốc phòng EU ngày 25-6 cũng đã nhất trí sẽ đặt ra những điều kiện chung để có thể mở đường cho Anh tham dự thỏa thuận quân sự này sau khi rời khối.
Theo D. Kim Thoa / tuoitre.vn