Sau hơn 25 năm thống nhất, phía Đông Đức tiếp tục tụt hậu so với phía Tây trong nhiều lĩnh vực. Sự chênh lệch về kinh tế – xã hội đó được thừa nhận là sẽ chưa thể giải quyết sớm.
Chưa đầy 1 tháng nữa, vào ngày 3/10 tới, người Đức sẽ kỷ niệm 27 năm ngày thống nhất Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) và Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) sau 40 năm chia cắt.
Tuy nhiên, sau hơn ¼ thế kỷ thống nhất, báo cáo mới đây của chính phủ Đức cho thấy rằng miền Đông tiếp tục tụt hậu trong phát triển kinh tế – xã hội so với phía Tây.
Bản “Báo cáo thường niên về tình trạng thống nhất nước Đức” cảnh báo rằng, dù có một số thành tựu trong bình đẳng hóa, khoảng cách phát triển giữa miền Đông và miền Tây vẫn không thay đổi, thậm chí còn mở rộng hơn.
Trong số các thành tựu được nhắc tới có việc tỉ lệ thất nghiệp ở miền Đông nước Đức đã giảm từ đỉnh 18,7% năm 2005 xuống còn 8,5% năm 2016. Dù vậy, tỉ lệ đó vẫn cao hơn gấp 2 lần so với tỉ lệ chung của toàn nước Đức (3,9%).
Một thành tựu được nhắc tới nữa là mức lương hưu ở miền Đông đã cao bằng 95,7% so với miền Tây đất nước.Tuy nhiên, mức lương của người lao động ở phía Đông nước Đức chỉ bằng 82% so với miền Tây, doanh thu từ thuế ở miền Đông chỉ bằng 60% ở miền Tây trong năm 2016.
Berlin thừa nhận đã và sẽ khó có thể giải quyết được sự phân hóa Đông – Tây trong tương lai gần. Thực tế cho thấy việc rút ngắn khoảng cách phát triển giữa hai miền đã chậm lại một cách đáng kể trong 15 năm qua, và cũng không loại trừ khả năng các khác biệt Đông – Tây sẽ còn gia tăng trở lại trong tương lai.
Nguyên nhân của việc các khác biệt sẽ tiếp tục tồn tại được cho là do quá trình toàn cầu hóa và những thay đổi về dân số. Những vùng có nền công nghiệp hiện đại và hướng tới xuất khẩu, có nhiều doanh nghiệp dịch vụ, sẽ có lợi thế hơn trong toàn cầu hóa.
Trong buổi thuyết trình báo cáo này, ông Iris Gleicke, đại diện chính phủ Đức cho biết không có doanh nghiệp nào trong top 30 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Đức có trụ sở hoặc nhà máy chính ở phía Đông.
Nói cách khác, các doanh nghiệp lớn của Đức vẫn tập trung hoàn toàn ở phía Tây đất nước, phía Đông chỉ có các doanh nghiệp nhỏ, rất nhiều trong số đó chỉ tập trung cho thị trường trong nước hoặc thị trường địa phương.
Phân hóa về kinh tế dẫn tới những bất ổn
Những vấn đề của miền Đông nước Đức được cho là bắt nguồn từ việc dân số ngày càng giảm và ngày càng già đi. Từ khi thống nhất đất nước, ngoại trừ Berlin, dân số ở miền Đông Đức cũ đã giảm 15%. Một số vùng như Saxony-Anhalt, dân số đã giảm 22%. Trong khi đó, lực lượng dân số trong độ tuổi lao động lại rời đi tìm cơ hội ở nơi khác, các ngành giúp thúc đẩy việc làm và kinh tế lại không được đầu tư.
Những vấn đề về kinh tế – xã hội ở phía Đông có thể dẫn tới các vấn đề về chính trị.
“Chính xác tại những vùng yếu kém, nơi người ta cảm thấy bị tụt hậu, thì các căng thẳng xã hội và thậm chí những thái độ cực đoan có thể phát triển”, trích báo cáo của chính phủ Đức.
Vài năm trước, các nhà xã hội học ở Đại học Jena và ĐH Bremen đã phát hiện rằng trong 180 lãnh đạo các công ty lớn nhất nước Đức, chỉ có 2 người đến từ phía Đông. Trong danh sách 500 gia đình giàu nhất đất nước, không có gia đình nào ở phía Đông Đức.
Tạp chí Stern đã có một nghiên cứu vào năm 2012 cho thấy trong số 37 tướng lĩnh và chỉ huy của quân đội Đức, không có ai xuất thân từ miền Đông, dù một nửa số quân lính Đức ở Afghanistan và Kosovo là đến từ miền Đông.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực khoa học. Chỉ dưới 3% những nhà khoa học hàng đầu của các viện nghiên cứu là người miền Đông.
Theo kênh truyền hình DW, sự chênh lệch này chỉ không xuất hiện ở một số ngành không quy định nghiêm ngặt về các nấc thang sự nghiệp như nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh hoặc thể thao.
Tuy nhiên, ông Gleicke cho rằng, về tổng thể thì cuộc thống nhất đã thành công và những người đến từ miền Đông có thể tự hào về những bước đi mà họ đã làm trên “con đường thống nhất hoàn toàn nước Đức”, dù rằng báo cáo cũng kết luận là “miền Đông nước Đức sẽ tiếp tục cần được trợ giúp trong thời gian dài nữa”.
Theo Ngọc Anh / thoidai.com.vn
Bạn có thế quan tâm