Đối với vô số người Việt Nam hiện đang ở Đức, dù họ từng hoặc chưa từng sống và làm việc ở thời DDR, thì việc nước Đức thống nhất cũng vẫn là một cơ hội lớn để “đổi đời”, để bung ra và phát triển sự nghiệp và tương lai, tạo dựng một cuộc sống an nhàn, tươi đẹp hơn – cho bản thân họ, gia đình họ và thế hệ sau này nữa.
Có thể nói, bức tường thành Berlin là một dấu ấn lịch sử vô cùng đặc biệt, kết nối 3 thời kỳ thay đổi toàn bộ nước Đức:
– bắt đầu là kết thúc Thế Chiến thứ 2 dẫn đến việc phân chia nước Đức thành 4 phần, chịu sự chỉ huy của 4 quốc gia thuộc Khối Đồng Minh (Liên Xô, Pháp, Anh, Mỹ) vào năm 1945;
– rồi sau đó bức tường thành được dựng lên vào năm 1961 nhằm ngăn chặn dòng người di dân sang Tây Đức, đồng thời chia đôi hai miền Đông – Tây, tạo ra cho toàn bộ dân tộc của một quốc gia nhiều định kiến cùng những “phân biệt đối xử” kéo dài cho tới ngày nay, mặc dù …
– … bức tường thành Berlin đã “đổ” vào ngày 9.11.1989, và ngày 3.10.1990 chính là ngày nước Đức tuyên bố thống nhất.
Con dường dẫn đến tự do
Vào mùa hè năm 1989, hệ thống cộng sản ở toàn bộ khu vực Đông Âu bắt đầu lung lay. Cũng vào thời điểm đó, sự kiện Trung Quốc cho giết hàng trăm sinh viên biểu tình trên Quảng Trường Thiên An Môn khiến dân Đông Đức càng hoảng hốt, ai cũng lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, hi vọng của người dân vẫn luôn được nhen nhóm và nuôi dưỡng qua những “chính sách đổi mới” của tổng thống Gorbachev/Gorbatschow, qua những buổi gặp gỡ thường xuyên hơn giữa hai chính phủ Đông – Tây Đức và qua việc nới lỏng biên giới, bỏ lệnh bắn và giết những người vượt biên …
Nửa năm đầu của năm 1989 cũng là lúc mức xin di dân từ Đông sang Tây đạt con số kỷ lục – hơn 125.000 người đệ đơn xin chuyển sang Tây Đức. Đồng thời, nhiều người dân Đông Đức đã qua Hungary, Ba Lan, Tiệp để trốn vào các Đại Sứ Quán của Cộng hòa liên bang Đức ở đây, thậm chí chạy vào Đại Sứ Quán ở Đông Berlin để xin được chuyển đi.
Vào ngày 10. và 11.9.1989, khi Hungary cho mở cửa biên giới mà không hề có sự trao đổi với chính phủ Đông Đức, thì sự kiện này đã tạo nên một làn sóng di dân không thể ngăn chặn nổi: Hàng ngàn người dân Đông Đức đã qua Áo bằng xe Trabi của họ để chạy sang Tây Đức.
Ngày 30.9.1989: Chính phủ Đông Đức yêu cầu di dân phải qua địa phận của DDR mới được sang Tây Đức, vì vậy, phía Tây Đức đã tổ chức nhiều chuyến tàu hỏa để chở di dân trốn trong Đại Sứ Quán từ Hungary, Ba Lan, Tiệp … chạy qua vùng này. Cả biển người đứng đợi sẵn ở ga Dresden để hi vọng có thể nhảy lên tàu cùng đi. Người dân Đông Đức bắt đầu xuống đường biểu tình dữ dội, hô vang những khẩu hiệu như: “Wir sind das Volk” (“Chúng tôi là nhân dân”).
Ngày 7.10.1989: Đảng SED (Đảng Xã hội Chủ Nghĩa Thống nhất của Đông Đức) vẫn tiến hành chuẩn bị lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập chính phủ Đông Đức. Trong khi chỉ 2 ngày sau đó, vào ngày 9.10., hơn 100.000 người dân đã đến Leipzig để cùng tổ chức lễ biểu tình vào ngày thứ 2 (Montagsdemonstration).
Thế rồi mọi việc diễn ra nhanh đến không ngờ: Ngày 17.10., văn phòng chính phủ SED tuyên bố ông Egon Krenz lên thay thế Erich Honecker, trở thành Chủ tịch Hội đồng nhà nước (Staatsratsvorsitzender). Tuy nhiên, những cuộc biểu tình diễn ra ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến cuộc biểu tình đòi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do du lịch và quyền tự do hội họp/lập hội (Presse-, Reise-, Meinungs- und Versammlungsfreiheit) với hơn 500.000 người tham gia tại Đông Berlin vào ngày 4.11.
Khi thấy không thể lấy lại được lòng tin và tiếp tục đối phó với những tiến triển như vậy, chính phủ Đông Đức quyết định mở cửa biên giới sang Tây Đức vào ngày 9.11.1989. Cũng trong đêm đó, hơn 10.000 dân Đông Berlin đã chuyển ngay sang khu vực phía Tây của thành phố. Những ngày sau, hàng trăm nghìn người cũng “Tây tiến” không ngần ngại và luyến tiếc! Cố thủ tướng Willy Brandt (nhậm chức từ năm 1969 đến 1974 tại Tây Đức) từng thốt lên rằng: “Jetzt wächst zusammen, was zusammengehört” (“Những gì thuộc về nhau giờ sẽ lại liên kết chặt chẽ với nhau”).
Thật may mắn cho nước Đức khi được tổng thống Gorbatschow ủng hộ và đồng tình với việc thống nhất đất nước, mặc dù Pháp và Anh vẫn còn rất do dự. Họ vừa lo sợ một nước Đức phát triển mạnh về kinh tế, vừa “hãi hùng” bởi dư âm chiến tranh vẫn phảng phất quanh Châu Âu. Mỹ dưới sự chỉ huy của tổng thống George Bush thì “chào đón” việc nước Đức thống nhất với một yêu cầu: Đức không thể là nước trung lập, mà buộc phải ở lại tham gia khối NATO …
Tháng 3.1990 có 40.000 người Đông Đức vì lo lắng trước tình hình “nửa nạc nửa mỡ” như vậy mà vẫn tiếp tục “di dân” sang Tây Đức, vào tháng 4 thì số di dân “giảm” xuống còn 20.000 người! Kể từ ngày 1.7.1990, Đức chính thức dùng D-Mark làm tiền tệ chung.
Không bao lâu sau, khi mọi quan ngại được dẹp bỏ, khi cả 6 “quốc gia” cùng gặp nhau tại Moskau/Moscow vào ngày 12.9.1990 để cùng ký Hiệp định “2-cộng-4” (2 nước Đức + 4 nước thuộc Khối Đồng Minh, tiếng Đức gọi là “Zwei-plus-Vier-Vertrag”) – có hiệu lực vào ngày 15.3.1991 – thì đó cũng tương tự như một “bản tuyên ngôn độc lập”, giải phóng toàn bộ nước Đức và thủ đô Berlin khỏi những kiểm soát của Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô, trao trả chủ quyền cho quốc gia Đức.
Vào ngày 3.10.1990, Đông Đức chính thức sáp nhập với Tây Đức theo điều 23 Bộ Luật Cơ Bản. Vậy là 45 năm sau khi Thế Chiến thứ 2 kết thúc, Đức lại trở thành một quốc gia tự trị có cùng chung một màu cờ, một thể chế, một ngôn ngữ.
Quay nhìn lại 1/4 thế kỷ vừa qua, chúng ta sẽ thấy sự kiện nước Đức thống nhất này cũng đơn giản và là việc thiết yếu, một mắt xích logic trong dòng lịch sử mà thôi. Tuy nhiên, lịch sử thường mang lại những bài học đau thương, thậm chí đẫm máu và nước mắt. Cái giá của hòa bình không chỉ là những cuộc biểu tình rầm rộ, những đối đầu “vào sinh ra tử”, những đàm phán gay cấn. Thậm chí cho đến giờ này, giữa một dân tộc cùng chung sống trên một đất nước vẫn còn rất nhiều định kiến với nhau, vẫn luôn phân biệt giữa Đông và Tây, giữa tư bản và cộng sản, giữa giàu và nghèo … Thế nhưng dù ở trên bất cứ “chiến trường” nào, cũng có những con người với trái tim luôn ấm nồng nhiệt huyết và tình yêu nhân loại. Họ luôn hi vọng, hành động và không bao giờ chịu bỏ cuộc để hàn gắn, để luôn sống với một cách nhìn bao dung và mở lòng với tất cả!
*Xin phép đưa ra một cách nhìn cá nhân rằng: Đối với vô số người Việt Nam hiện đang ở Đức, dù họ từng hoặc chưa từng sống và làm việc ở thời DDR, thì việc nước Đức thống nhất cũng vẫn là một cơ hội lớn để “đổi đời”, để bung ra và phát triển sự nghiệp và tương lai, tạo dựng một cuộc sống an nhàn, tươi đẹp hơn – cho bản thân họ, gia đình họ và thế hệ sau này nữa. Các bạn có thấy vậy không??
Chúc các bạn ở Đức một ngày nghỉ lễ thật đầm ấm, hạnh phúc! Và một cuối tuần thật ý nghĩa!
Cẩm Chi (Những nẻo đường nước Đức)