Biết bao cán bộ đi tây đi tàu để học tập kinh nghiệm nhưng cải cách giáo dục vẫn cứ ì ạch. Chúng ta, những người làm nghề, đang chờ đợi điều gì?
Mấy hôm trước để chuẩn bị cho tuyến bài “Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam”, tôi tìm đến phỏng vấn một người thầy gốc Việt đã làm việc nhiều năm tại Đức.
Nội dung dạy vẫn loay hoay toàn “chữ nghĩa”
Từ góc độ một người thầy, ông chia sẻ với tôi về triết lý nền giáo dục của cường quốc số một châu Âu: “Nước Đức đặt nặng giá trị giáo dục tính tự lập để mỗi người tự quyết định đường hướng cho cuộc sống của họ. Người học hướng tới sống có trách nhiệm với chính mình và xã hội, lấy lương tâm và luật pháp để cân nhắc những hành động họ làm. Nếu gặp khó khăn thì tìm lối thoát chung cho cả cộng đồng chứ không chỉ cho từng cá nhân đơn lẻ”.
Vị này chia sẻ thêm rằng nước Đức đào tạo cách làm người song song với chuyên môn khoa học, phù hợp từng lứa tuổi. Ví dụ các cháu được học tất cả những gì các cháu nhìn thấy khi rời khỏi nhà, như cây cỏ, con chó con mèo, đường phố, nhà trường, chú công an, bến xe buýt, nhà vệ sinh, ăn uống và đặc biệt là cách ứng xử với những người xung quanh.
“Nhà trường Đức luôn khuyến khích học sinh có quan điểm riêng chứ không nghĩ hộ, đánh giá đúng sai giúp học sinh. Tính đa dạng là một trong những yêu cầu rất lớn cho sự phát triển nhân cách con người” – ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, triết lý giáo dục của Việt Nam trong suốt những năm qua không rõ ràng, nếu không muốn nói là “không có”. Chúng ta trọng chữ nghĩa hơn là dạy trẻ cách trở thành một con người – có tư duy độc lập, có sức sáng tạo mạnh mẽ, có khát khao và niềm đam mê, có bản lĩnh và sống trách nhiệm.
Trẻ em được dạy “phải học giỏi” để có việc làm tốt, để có nhiều tiền hay thoát nghèo, để có cuộc sống an nhàn, hoặc là để được định cư nước ngoài. Ít đứa trẻ nào được dạy về giá trị của những thứ xung quanh chúng hoặc do chúng làm ra có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời của chúng (và thậm chí là của những người xung quanh).
Thế nên thay vì “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, các em được dạy những điều mà chúng không thể làm được, thậm chí không hiểu được ý nghĩa của bài học. Trong khi đó trẻ con ở Đức được dạy và thành thạo những việc rất cơ bản nhưng vô cùng quan trọng: cách tiêu xài tiền quà vặt; cách thoát hiểm khi có báo động cháy nổ; cách tự sơ cấp cứu khi bị thương; làm quà tặng bạn nhân ngày sinh nhật; tự lắp ráp bộ bàn ghế học tập; cách trình bày một quyển sổ tay những công việc trong tuần.
Tâm thế “chờ đợi” của giáo viên
Từ chuyện cải cách sách giáo khoa, đến việc quản lý chất lượng đào tạo cho đến lúc này Việt Nam vẫn đang bước đi từng bước rất khó khăn. Câu chuyện cải cách giáo dục có lẽ sẽ còn nóng dài dài trên bàn nghị sự trong vài ba hoặc nhiều năm tới. Biết bao cán bộ đi tây đi tàu để học tập kinh nghiệm nhưng cải cách giáo dục vẫn cứ ì ạch. Chúng ta, những người làm nghề giáo, đang chờ đợi điều gì?
Chúng ta tiếp tục lắc đầu, tặc lưỡi và chờ đợi thêm vài ba thế hệ trẻ tiếp tục nhận lấy sự thiệt thòi mà lẽ ra chúng có thể tránh được trong thời đại mà Việt Nam hô hào chào đón cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Cải cách giáo dục cũng nên bắt đầu “cục bộ” từ vai trò của những người thầy. Trong thời đại mà trẻ em có thể dùng thành thạo Internet, Google và những công cụ tìm kiếm có thể giúp chúng “lục tung cả thế giới” trong vòng một giây bằng cú “click” chuột thì giá trị của kiến thức không còn nặng nề bằng giá trị của sự khơi gợi niềm cảm hứng. Đó cũng là lý do tại sao học sinh, sinh viên Đức học trên lớp rất ít so với học sinh Việt Nam nhưng số lượng bằng sáng chế lại cao hơn rất nhiều.
Việc tạo ra nguồn cảm hứng, kích thích sự tò mò, khuyến khích làm việc độc lập, thậm chí là “thách thức” người học tìm ra những “chân lý mới” đòi hỏi một người thầy vừa có chuyên môn giỏi, vừa có phương pháp dạy thật sự hấp dẫn.
Với làn sóng Internet và điện thoại thông minh, giáo viên có thể tự cập nhật kiến thức và nâng cao chuyên môn, tìm kiếm những phương pháp dạy thức thời và tìm cảm hứng dạy từ vô số những câu chuyện hay ho từ khắp nơi trên thế giới. Đó là cách dạy học không phụ thuộc và không chờ đợi đến khi ngành giáo dục có những bước đi lớn. Tất nhiên, nỗ lực từ cá nhân người dạy chỉ giúp ích cục bộ và không thể khỏa lấp vai trò của Bộ Giáo dục trong dài hạn.
Xin kết lại bằng chia sẻ của người thầy tại Đức khi nói về vai trò của người đứng lớp: “Trong thời đại kỹ thuật số, nghề giáo cũng cần thường xuyên phải đổi mới mình. Ở Đức năm nào thầy giáo cấp III cũng phải đến trường đại học sát hạch kiến thức. Cứ 4-5 năm, sách giáo khoa phải đổi mới hoàn toàn. Nội dung các môn học liên quan chặt chẽ với nhau, ví dụ địa lý và chính trị, hóa và sinh vật, bài tập toán cũng đệm vài ba câu hỏi bằng tiếng Anh. Ở Việt Nam nếu có những quy định như thế này có lẽ cũng không thể thực hiện được, nên sự bắt nhịp với cái mới nhất bị hạn chế. Sách giáo khoa và giáo trình học tập vẫn mang nhiều nội dung của thế kỷ trước, không có sự cạnh tranh để sách giáo khoa hấp dẫn hơn. Tôi nghĩ từ Bắc chí Nam cùng một sách giáo khoa là không hợp lý. Người soạn sách giáo khoa phải là những người đã từng là thầy cô giáo lâu năm, chứ không phải là chuyên gia về một môn học.
Thầy cô giáo cần có ngoại ngữ để tham khảo chương trình giáo dục của nước ngoài. Ví dụ ở Việt Nam người ta cho một bài toán tính diện tích tường của một căn phòng khi cho chiều dài, chiều rộng, chiều cao, diện tích cửa sổ, cửa ra vào. Ở Đức cũng bài toán với nội dung ấy nhưng người ta yêu cầu thế này. Họ cũng cho kích thước căn phòng dài, rộng, cao, cho diện tích cửa sổ, cửa ra vào. Nhưng câu hỏi có thể là: Người ta muốn quét vôi căn phòng này hai lần. Một thùng vôi 10 kg dùng để quét cho 15 m2. Chủ nhà phải trả bao nhiêu tiền cho việc mua vôi, trong đó có tính đến giá trị gia tăng 19%? Nếu tính ra phải mua 3,2 thùng thì các em phải quyết định mua 4 thùng, chấp nhận thừa”.
Khi xã hội đã tin tưởng giao trẻ và gọi bằng “thầy” thì người làm thầy quyết không chờ đợi “chỉ thị” để dạy học theo đó. Nếu cần thì việc “dạy theo chỉ thị” hiện đã có robot thay thế, thậm chí thay thế một cách hoàn hảo.
Theo Đại Thắng (từ CHLB Đức) / plo.vn