TBVĐ- Ngày càng nhiều người Việt sinh sống ở Đức xin nhập quốc tịch để đảm bảo quyền lợi như người Đức, đặc biệt lúc về già.
Một độc giả ở Frankfurt gửi đến Thời báo Việt Đức “Hiện tôi đang chuẩn bị làm hồ sơ xin nhập quốc tịch Đức, điều kiện để được nhập Quốc tịch Đức tôi đã biết nhưng tôi chưa biết trong những trường hợp nào thì hồ sơ nhập quốc tịch Đức bị từ chối. Xin Quý báo cho tôi biết!” Chúng tôi xin phép cảm ơn và chuyển đến quý độc giả câu trả lời sau đây.
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định như thời gian cư trú, thu nhập, nhà ở…thì thông thường từ ba đến sáu tháng, có trường hợp kéo dài đến hai năm (nếu hồ sơ có vấn đề) thì hồ sơ nhập quốc tịch được xét. Tuy nhiên, theo Luật quốc tịch Staatsangehörigkeit (StAG) đơn xin nhập quốc tịch bị từ chối được quy định theo điều §11 và 12 như sau:
Thứ nhất theo Điều §11, không được nhập quốc tịch, nếu có đủ cơ sở thực tế để kết luận, người nước ngoài theo đuổi hoặc ủng hộ, hoặc đã từng theo đuổi, hay ủng hộ chống lại thể chế dân chủ, tự do, chống lại sự tồn tại hoặc an ninh của Liên bang hay Tiểu bang, hoặc làm ảnh hưởng xấu trái luật đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền Liên bang hoặc Tiểu bang hay thành viên của họ, hoặc sử dụng bạo lực hay có hành vi chuẩn bị bạo lực gây hại cho hoạt động đối ngoại của nước Đức, hoặc tỏ ra mình đã từng theo đuổi hay ủng hộ những mục đích đó, hoặc có lý do để trả về nước, quy định tại Điều §54, điểm 5 và 5a Luật Lưu trú.
Bên cạnh đó, theo Điều §12a, khoản (1), khi xét đơn nhập quốc tịch, bỏ qua những vi phạm sau đây: 1. Đang bị áp dụng các biện pháp về giáo dưỡng hoặc bị giam giữ theo Luật Thanh thiếu niên; 2. Bị phạt tiền tương đương tới 90 ngày tù, và 3. Bị phạt tù tới ba tháng, nhưng được hưởng án treo.
Trong trường hợp bị kết án phạt tiền và tù nhiều lần theo tinh thần khoản (1), điểm 2 và 3, thì cộng tất cả các lần đó lại, ngoại trừ trường hợp sẽ cho kết qủa tổng cộng thấp hơn; khi phải cộng hình phạt tù và phạt tiền thì mức tiền tương ứng một ngày làm việc của người đó được coi là một ngày tù. Nếu hình phạt hoặc tổng hợp hình phạt vượt không quá lớn so với mức quy định tại khoản 1 và khoản 2, thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể xét xem bỏ qua hay không. Nếu bị áp dụng quy định về giáo dưỡng hay giam giữ, cảnh báo quy định tại Điều §62, điểm 5 hoặc điểm 6 Bộ Luật Hình sự, thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể xét bỏ qua.
Theo Điều §12a, khoản (2), những bản án ở nước ngoài sẽ được xem xét, nếu loại hành vi phạm tội đó cũng bị phạt ở Đức, bản án đó được tuyên trên nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền và hình phạt hợp lý. Không xem xét những án quyết đã quá kỳ hạn ghi lý lịch tư pháp quy định tại Luật theo dõi tội phạm Liên bang.
Theo Điều §12a, khoản (3), khi người nước ngoài đệ đơn xin nhập quốc tịch, đang bị điều tra hình sự, thì phải dừng xem xét đơn nhập quốc tịch cho đến khi ngừng điều tra. Trường hợp dẫn đến truy tố thì ngừng cho tới lúc bản án có hiệu lực. Cũng áp dụng tương tự như vậy đối với hình phạt thanh thiếu niên xử theo quy định tại Điều §27 Luật Toà án thanh thiếu niên.
Theo Điều §12a, khoản (4) Bản án có hiệu lực ở nước ngoài cũng như đang trong quá trình điều tra, được ghi vào đơn xin nhập quốc tịch.
Thanh Mai