Dạy con biết thất bại – điều này có vẻ không thuận so với cách nghĩ thông thường. Bởi ai cũng muốn con tiến bộ, thành công, suôn sẻ trong mọi việc…
Ý nghĩ “dạy con biết thất bại” cứ quanh quẩn trong đầu tôi sau khi nghe câu chuyện của một học sinh lớp 9 ở Hà Nội.
Khủng hoảng vì bài kiểm tra 7 điểm
Bữa đó là dịp thi học kì, tôi gặp một phụ huynh tôi quen trên sân trường. Chị là chuyên gia tập huấn kĩ năng mềm cho sinh viên một trường đại học và có trong ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Chị nói phải đi gặp một học sinh lớp 9 để “giải quyết khủng hoảng”.
Theo chị kể lại, cậu bé tên T. bị ảnh hưởng khá nặng tính cầu toàn của bố mẹ. Từ bé, T. đã được giáo dục phải làm mọi việc chỉn chu, kín kẽ và phải đạt kết quả tốt ở bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ.
Bởi vậy dù là kiểm tra các môn phụ, trong khi các bạn khác chơi, T. vẫn ngồi ôm sách học vì mục tiêu của cậu phải đạt điểm 10.
Nhưng đợt kiểm tra học kì, cậu đã làm không tốt bài thi môn Giáo dục công dân và chỉ nhận điểm 7. Và cậu bé rơi vào khủng hoảng.
Giờ giải lao các bạn chạy nhảy bên ngoài hành lang, cậu lại ngồi trong lớp, học lại bài của môn Giáo dục công dân.
– Con sẽ làm bài kiểm tra lại – Cậu nói.
– Nhưng cô giáo sẽ không chấp nhận cho con kiểm tra lại vì không có lý do chính đáng – Chị chuyên gia giải thích.
– Dù như thế thì con vẫn làm, con làm để sửa những lỗi sai con đã phạm phải – T. khăng khăng.
Tôi đã tìm gặp mẹ của T. Mẹ cậu cho biết cậu là cậu bé cầu toàn. “Khi còn học tiểu học, con đã xé gần hết cuốn vở vì không chấp nhận một chữ viết bị chệch khỏi ô. Khi ấy tôi đã chột dạ và bảo con không cần phải như thế. Tôi cũng hạn chế mắng mỏ khi con có kết quả không được như ý.
Nhưng khi bước vào cấp 2, tính cầu toàn của con càng nặng. Kết quả học tập của con nhìn chung luôn ở mức xuất sắc. Vì thế, một vài môn phụ bị điểm thấp con cũng không muốn. Tôi cảm giác con không chấp nhận được việc thất bại”, chị kể.
Chị cũng thừa nhận tính cầu toàn ấy có lẽ do vợ chồng chị rèn cho con: “Từ nhỏ, chỉ cần con phơi chiếc khăn không ngay ngắn, để đôi dép không đúng vị trí tôi cũng bắt con làm lại. Khi đi học, tôi luôn muốn con phải cố gắng hết mức”.
Mừng vì con thất bại
Sự thất bại cho những đứa trẻ những trải nghiệm để biết vượt lên nỗi buồn, đặt cho mình những mục tiêu phù hợp, cách thức phù hợp để đạt được kết quả tốt. Thất bại cũng cho tất cả chúng ta biết trân trọng những giá trị của sự nỗ lực, của thành công”
Vĩnh Hà
Trường hợp T. có lẽ sẽ phải trị liệu tâm lý do triệu chứng trầm cảm rõ rệt sau khi bị điểm 7. Nhưng nguyên nhân sâu xa lại không phải điểm 7 mà là việc T. được rèn giũa để luôn chiến thắng, không bao giờ thất bại.
Tôi đã quay lại hai lần để gặp mẹ T. Cậu bé đã bình tĩnh hơn nhưng vẫn làm bài kiểm tra giáo dục công dân gửi cho cô giáo dù không thể thay thế kết quả chính thức trong sổ điểm.
Mẹ T. cho biết dù chia sẻ với con về việc không nên tạo áp lực cho mình như thế, chị thấy lo nếu con tiếp tục bị điểm không tốt. Do vậy, thay vì giúp con thư giãn, thoải mái, chị lại căng thẳng hơn.
“Khi nhà trường báo xong điểm kiểm tra cuối kì, tôi mới thở phào. Tôi đã tính tới việc đến trường, mang giấy khám trị liệu của con để xin cô giáo chủ nhiệm cho nâng điểm nếu nhỡ con bị điểm khá một môn nào đó.
Tôi nghĩ có điều chỉnh gì cũng phải để sau, vì bây giờ con đang rơi vào tình trạng trầm cảm, nếu tiếp tục có môn điểm khá con sẽ càng bị nặng thêm”, bà mẹ phân trần.
Nỗi lo của mọi người mẹ đối với con mình đều dễ thông cảm. Nhưng có lẽ mỗi bà mẹ cũng cần học cách giúp con sáng suốt hơn.
Mà trước khi làm điều đó, người lớn cần phải tự điều chỉnh mình trước. Khi bản thân mình học được cách chấp nhận thất bại thì mới có thể giúp con. Và điều đó cần một quá trình lâu hơn một cuộc nói chuyện thông thường.
Khi tôi kể câu chuyện này, một phụ huynh có đồng quan điểm chia sẻ: “Khi con tôi bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 đi thi cấp thành phố, cháu rất buồn. Tôi đã an ủi cháu nhưng trong lòng tôi thấy mừng. Mừng vì con biết đến mùi vị của thất bại.
Nó cho con sự bình tĩnh, biết nhìn nhận những điểm yếu của bản thân, bên cạnh thế mạnh mà con vẫn tự hào. Nó cũng cho con hiểu để đạt được một thành công nào đó, không dễ dàng và không phải lúc nào con đường mình đi cũng bằng phẳng”.
Lời khuyên nhà tâm lý Trẻ nỗ lực, cố gắng vượt qua trở ngại khó khăn để đạt được mục đích là tốt nhưng ganh đua, cay cú, không chấp nhận được khi mình thất bại sẽ khiến trẻ rơi vào bi kịch. Cha mẹ nên giúp con hiểu trong đời người, ít ai không có lúc thất bại hoặc gặp khó khăn. Điều quan trọng là biết vượt qua điều đó một cách nhanh nhất để bước tiếp. Giúp con xây dựng kế hoạch học tập, hành động hợp lý và cách thực hiện theo từng bước. Giúp con hiểu những giá trị quan trọng trong cuộc sống nên hướng đến thay vì chỉ phấn đấu cho điểm số, danh hiệu, giải thưởng. |
Theo Vĩnh Hà / tuoitre.vn