TBVĐ- Nhiều ngày qua, hai đảng CDU và CSU vẫn tiếp tục cãi nhau về vấn đề liệu có nên “cấm cửa” người xin tị nạn không giấy tờ và người đã từng xin tị nạn tại các nước khác thuộc khối EU, không cho phép họ được bước qua biên giới vào nước Đức hay không?
Đảng CSU ủng hộ việc này. Thủ tướng Angela Merkel, cũng là chủ tịch đảng CDU, thì bác bỏ. Trong vụ tranh cãi này, bà Angela Merkel gọi chính sách di dân là “một thử thách của Châu Âu, cũng cần một câu trả lời theo phong cách Châu Âu”. Bà giữ vững quan điểm rằng, giải quyết các vấn đề di dân là việc mà toàn khối EU cần phải đồng lòng, cùng gánh vác.
Sau khi bàn bạc với hội đồng chủ tịch đảng, CDU đã đề cử giải pháp chung như sau: Những người đã từng bị bác đơn xin tị nạn tại Đức sẽ bị trục xuất ngay khi quay trở lại lần nữa. Tuy nhiên, đảng CSU lại không hoàn toàn đồng tình với lời kêu gọi này của Angela Merkel và đề nghị của CDU. Ông Seehofer, chủ tịch đảng CSU, cùng các thành viên khác yêu cầu trục xuất tất cả những di dân không chỉ từng xin tị nạn tại Đức mà cả khắp khối EU cũng như di dân không có giấy tờ tuỳ thân ngay tại biên giới Đức.
Điều duy nhất CSU ủng hộ bà Merkel là: Họ sẽ hỗ trợ, giúp đỡ kế hoạch thoả thuận và thống nhất những chính sách di dân bình đẳng, tương đương nhau trong khu vực Châu Âu của bà. Ông Seehofer cảnh cáo sẽ tự đi hướng riêng, nếu bà Merkel không thay đổi chủ kiến của mình. Tuy nhiên, điều này rất có thể sẽ dẫn đến sự tan rã/đổ vỡ của đảng liên minh Union nếu bà thủ tướng vẫn khăng khăng giữ ý kiến của mình và không chấp nhận yêu cầu của họ.
Hiện nay, Angela Merkel tạm thời không đưa ra bất cứ quyết định nào. Bà hi vọng sẽ nhận được sự ủng hộ và niềm tin của các nghị sỹ thuộc đảng CDU đến ngày Hội nghị thượng đỉnh Châu Âu họp vào 28 và 29 tháng 6 này tại Brüssel, đạt được những bước tiến sâu xa trong việc chung tay giải quyết vấn đề tị nạn tại khu vực EU.
Thế nhưng đảng CSU lại đòi hỏi và thôi thúc bà, khiến cho vụ xung đột càng trở nên căng thẳng. Ông Joachim Pfeiffer, chính trị gia về kinh tế thuộc đảng CDU, trao đổi với giới truyền thông: “Tôi chỉ có thể khuyên đôi bên hãy dành chút thời gian để hít thở sâu! Lý do bất đồng quan điểm trong việc này không đến nỗi quá lớn và nặng nề để khiến mọi thứ phải bùng nổ như vậy!” Còn theo ông phó chủ tịch đảng CDU Volker Bouffier thì: Chỉ một liên minh chung giữa CDU và CSU mới có thể đảm bảo sự vững mạnh của chính phủ.
Trong khi đó, các đảng phái khác cũng dựa vào “sự đấu đá trong nhà” này mà lên tiếng. Như ông Sigmar Gabriel, cựu chủ tịch của đảng SPD, chỉ trích trước giới truyền thông rằng, đáng lẽ phải có cuộc tranh luận cởi mở như vậy về chính sách tị nạn từ trước nữa rồi. Ông nhấn mạnh trong bài viết ở báo Tagesspiegel: “Bởi chúng tôi đã không dám nói, không dám bàn bạc về những cơ hội, những giới hạn và cả những nguy hiểm mà làn sóng di dân mang lại cho đất nước này, nên chúng tôi đã để lại một lỗ hổng đen ngòm. Nước Đức có nguy cơ sẽ trở nên điên đảo vì vấn đề này.” Bộ trưởng bộ lao động Hubertus Heil (cũng thuộc đảng SPD) hi vọng vụ cãi vã giữa CDU và CSU sẽ không phá vỡ liên minh Union. Bởi đến cuối cùng, mọi quyết định đều là vì trách nhiệm. Bên cạnh đó, rất nhiều chính trị gia cũng chỉ trích phương án và lời “hăm doạ” của ông Seehofer. Họ cho rằng, cách hành xử của Seehofer là vô trách nhiệm và không có tính đoàn kết.
Vào thứ hai tới, thủ tướng Merkel sẽ gặp và nói chuyện với tân thủ tướng của Ý ông Giuseppe Conte về chính sách di dân. Vào thứ ba, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến Meseberg (Đức) tham dự toạ đàm Đức-Pháp để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Châu Âu.
Bình Minh