TBVĐ- Sau khi chủ nhà cũ đã cho thuê căn hộ lại đem chuyển nhượng (bán hoặc tặng) cho người khác, thì người chủ mới không được phép kết thúc hợp đồng thuê nhà trong vòng thời gian ba năm, dù có lý do sử dụng chính đáng thế nào chăng nữa.
Cuối tháng 3 vừa qua, Tòa án tối cao liên bang (Bundesgerichtshof, viết tắt là BGH) đã xét xử phúc thẩm một vụ kiện tụng vì chủ nhà muốn đòi lại căn hộ với lý do “để tự sử dụng” (Eigenbedarf). Cũng như án quyết sơ thẩm (án số Az.: VIII ZR 104/17), người thuê nhà lại thắng kiện.
Từ năm 1981 đến nay, người này (hơn 70 tuổi) đã thuê căn hộ bốn phòng, rộng 160 mét vuông trong khu nhà cổ thuộc quận Westend tại Frankfurt để ở cùng vợ và con gái. Tiền thuê nhà thời điểm hiện tại là gần 860 Euro/tháng. Tháng 1-2015, căn hộ đổi chủ mới. Chủ nhà mới là một công ty hợp danh và đến tháng 5-2015, họ gửi giấy đòi lại căn hộ với lý do lấy để tự sử dụng theo nhu cầu của một thành viên công ty. Người này vừa ly hôn với vợ, là một nhà buôn bất động sản thành đạt và cần phòng để giới thiệu với khách hàng.
Về cơ bản, chủ nhà này muốn lấy lại nhà vì cần nơi ở mới sau khi ly hôn là chính đáng. Nhưng điều khiến Hiệp hội bảo vệ người thuê nhà (Mieterbund) thấy bất mãn, là chủ nhà nói trên đã từ chối, không muốn chuyển vào một căn hộ rộng 124 mét vuông đang bỏ trống ở đó, chỉ bởi nó “không đủ lớn để có thể dùng làm phòng mẫu cho khách xem”. Hiệp hội bảo vệ người thuê nhà đã dẫn chứng điều 573 đoạn 2 số 2 und 577a đoạn 1 kết hợp với đoạn 1a dòng 1 số 1 Luật Công Dân của Đức (BGB).
Theo đó, sau khi chủ nhà cũ đã cho thuê căn hộ lại đem chuyển nhượng (bán hoặc tặng) cho người khác, thì người chủ mới không được phép kết thúc hợp đồng thuê nhà trong vòng thời gian ba năm, dù có lý do sử dụng chính đáng thế nào chăng nữa. Hiệp hội này cho rằng, nhiều chủ nhà thường lấy cớ muốn có lại căn hộ để tự sử dụng nhưng trên thực tế, họ muốn nhanh chóng đổi thành căn hộ riêng để bán. Tuy nhiên, điều luật trên không cho phép họ làm vậy. Đây cũng là lý do để Tòa án BGH đã bác đơn kiện phúc thẩm của chủ nhà.
Minh Quân