Từ tinh thần thể thao của một tổng thống
Mạnh mẽ, gan góc, nghiêm túc và có máu phiêu lưu, Theodore Roosevelt, vị Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, đã vượt qua tuổi thơ yếu đuối, bệnh tật bằng cách tuân theo một quy trình thể dục tích cực mỗi ngày và dành phần lớn thời gian ở ngoài trời hít thở không khí trong lành. Khi trưởng thành, ông mang tính cách của một chàng cao bồi mạnh mẽ, thể hiện đầy đủ tố chất của một nam giới.
Là một người đàn ông hiếu động, yêu thích thiên nhiên, Theodore (còn được gọi thân mật là Teddy) có niềm đam mê săn bắn. Ông thường đi săn ở Mỹ nhưng cũng đã từng đến châu Phi để “sưu tập các giống loài”, một cách nói vui về săn bắn, để được nhồi bông loài thú săn được đem về trưng bày ở Bảo tàng lịch sử quốc gia của Mỹ. Ông được cho là đã từng tự tay bắn hạ 17 con sư tử, 9 con linh cẩu, 11 con voi, 7 con báo và 10 con báo. Ông cũng hạ được 11 con tê giác đen, một loài thú mà hiện nay đang đứng bên bờ tuyệt chủng.
Vào ngày 14/11/1902, Andrew Longino, Thống đốc bang Mississippi, mời tổng thống Roosevelt cùng đi săn gấu ở bên ngoài Onward. Đoàn còn có một số nhà báo. Họ mang theo những cái bẫy, ngựa, đồ cắm trại, 50 con chó săn.
Săn gấu trong đầm lầy được coi là rất nguy hiểm, vì vậy Thống đốc Longino đã chọn Holt Collier làm người dẫn đường. Collier, một cựu nô lệ và từng là kỵ binh trong cuộc nội chiến, biết rõ về những vùng có gấu xuất hiện.
Chuyến đi săn kéo dài 10 ngày, có nhiều thời gian để Roosevelt theo dõi và hạ một con gấu. Tuy nhiên, khi cuộc đi săn kết thúc, mọi người trong đoàn, gồm cả Longino, ai cũng có chiến lợi phẩm là một con gấu xấu số, ngoại trừ Rosevelt. Thống đốc bang cảm thấy bối rối về điều này. Làm thế nào để Tổng thống không bị mất mặt trong nhóm đi săn này? Không phải một mình ông ta có ý nghĩ như vậy. Mọi người đều muốn Tổng thống bắn được một con gấu để khỏi mang tiếng là thợ săn tồi.
Thống đốc Longino liền ra lệnh cho Holt Collier dẫn bầy chó đi bao vây và bắt một con gấu, sau đó buộc nó vào một gốc cây. Những người thợ săn trong đoàn ra hiệu cho Roosevelt tiến đến bắn hạ con vật. Roosevelt rất tức giận với màn dàn dựng này. Ông cho rằng việc bắn một con vật không có khả năng chạy trốn là hành động phản lại tinh thần thể thao nên không chấp nhận và ra lệnh phải thả con vật ra. Các nhà báo chứng kiến câu chuyện đã thể hiện nó lên báo, xem đây là bằng chứng về lòng trắc ẩn và tinh thần cao thượng của Tổng thống.
Đến món đồ chơi dễ thương
Clifford Berryman, một họa sĩ vẽ tranh biếm họa tình cờ đọc được bài báo về vụ việc này đã nảy ý tưởng vẽ một bức tranh vui thể hiện sự từ chối bắn con gấu không có khả năng chống đỡ của Tổng thống. Bức tranh đăng trên tờ Washington Post vào ngày 16/11/1902 được độc giả hoan nghênh, mặc dù nó không thể hiện rõ thực tế của câu chuyện. Con gấu trong tranh của Berryman là một con thú nhỏ xinh xắn, chứ không phải là con gấu to lớn dữ dằn mà các phụ tá của Roosevelt trói vào gốc cây. Tuy vậy, nó cũng đủ khắc họa nên hình ảnh Tổng thống là một người đàn ông công bằng đáng tin cậy.
Morris Michtom, một chủ cửa hàng bán kẹo bánh ở Brooklyn thấy bức tranh vui của Berryman liền nảy ra một ý tưởng thú vị. Ông và vợ làm một con gấu như trong bức tranh bằng vải len để tặng Tổng thống Roosevelt, người mà vợ chồng hết lòng ngưỡng mộ. Họ gọi nó là Gấu của Teddy (Teddy Bear). Đồ chơi thú vải len này được Roosevelt đón nhận một cách vui vẻ và trở thành món đồ chơi của con trai út Tổng thống, Quentin. Mọi người trong gia đình ông cũng thích con gấu đồ chơi này. Được sự cho phép của Tổng thống Teddy Roosevelt trong việc sử dụng tên ông cho gấu bông, Michtom tận dụng cơ hội làm ăn, ông may thêm nhiều con gấu nữa để bán cho công chúng.
Chẳng mấy chốc món đồ chơi này phổ biến rộng rãi đến nỗi Michtom từ bỏ cửa hàng kẹo bánh và thành lập công ty đồ chơi mang tên Ideal Toys để sản xuất và kinh doanh gấu bông. Những con gấu bông trở nên nổi tiếng toàn thế giới và ngày càng phổ biến trong nhiều thập niên tiếp theo. Chỉ riêng ở Mỹ, đã có hơn 200 ngàn cửa hàng thú bông đặc biệt này với hàng triệu con thú bằng vải len đã được bán ra mỗi năm.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 1904, Rosevelt chọn gấu bông như là linh vật của đảng Cộng hòa. Nó được dùng làm công cụ quảng bá chính cho chiến dịch tranh cử của ông
Con gấu bông thậm chí còn nổi tiếng quốc tế, khi nhà sản xuất đồ chơi Richard Steiff của Đức đổi tên gấu nhồi bông của công ty thành “gấu teddy” và bắt đầu bán chúng tại các cửa hàng đồ chơi ở Đức vào năm 1903. Trong vòng một năm, các cửa hàng đồ chơi khắp châu Âu kinh doanh sản phẩm của Steiff với tên Teddy Bear như ở Mỹ bán rất chạy
Roosevelt không bao giờ lường trước được sự thành công của con gấu khi ông đồng ý lấy tên mình đặt cho nó, và ông cũng không ngờ rằng một cuộc đi săn bình thường như vậy đã trở thành một trong những điều nổi tiếng nhất của ông.
Năm 1963, chủ tịch của Công ty Ideal Toy lúc đó là Benjamin Michtom, cho rằng trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra đời gấu bông Teddy Bear sẽ rất có ý nghĩa nếu một trong những con gấu bông đầu tiên và con gái của Teddy Roosevelt chụp ảnh với nó. Tuy nhiên, người phụ nữ này đã từ chối, thể hiện sự hóm hỉnh của mình ngay cả tuổi đã cao bằng cách nói “Con búp bê 79 tuổi làm gì với con gấu 60 tuổi đây?”.
Cuối cùng bức ảnh được thực hiện với một số cháu cố của Teddy Roosevelt, những người được phép giữ con gấu bông đặc biệt trong một thời gian rồi sau đó tặng lại cho Viện Smithsonian… Và vào tháng Giêng năm 1964, con gấu bông đầu tiên đã được yên vị trong Viện Smithsonian và hiện là một phần trong bộ sưu tập lịch sử chính trị của viện.
Nguồn: giaoducthoidai.vn