TBVĐ- Ẩm thực luôn là nhu cầu lớn nhất của con người, vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi báo Welt der Wunder (số 10/18) công bố con số gần 30.000 nghiên cứu về ẩm thực và dinh dưỡng đã được thực hiện trên toàn cầu.
Ẩm thực dần “lên ngôi”, vì thế vấn đề dinh dưỡng không chỉ còn là một hành động nấu nướng, ăn uống sao cho đủ chất, mà còn trở thành phong cách và triết lý sống của nhiều người. Điều đó là thế nào? Và chúng ta có thật sự nên nắm bắt hay cần đuổi kịp mọi trào lưu ẩm thực đó không?
“Siêu thực phẩm” đối nghịch với “thực phẩm có hại”
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, bởi thị trường tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng hơn, cũng luôn dư dả, nhiều lựa chọn hơn, vì thế rất ít người trong chúng ta còn phải lo vấn đề ăn no, mặc ấm, mà bắt đầu nghĩ đến việc ăn ngon, mặc đẹp, ăn làm sao để duy trì sức khỏe, dinh dưỡng thế nào để giữ sắc đẹp, không bị lão hóa, không bị béo phì, không bị bệnh.
Những năm gần đây, chắc hẳn chúng ta đã và đang thường xuyên được nghe nói đến cụm từ “siêu thực phẩm” (Superfood) – theo báo Sức khỏe và Đời Sống của Việt Nam thì sự khác biệt giữa các loại thực phẩm thông thường và siêu thực phẩm là giá trị dinh dưỡng của chúng. Siêu thực phẩm chứa một lượng lớn các vitamin và khoáng chất cũng như chất chống oxy hóa mạnh, có thể phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có các bệnh tim mạch, thậm chí ung thư.
Không chỉ trên báo chí, truyền thông, mà đặc biệt là trên mạng internet, tại các cửa hàng bán thực phẩm bio hay hiệu thuốc, siêu thị tạp hóa, thậm chí tại các tiệm bánh mỳ, các quán ăn … chúng ta ngày càng “đối mặt” nhiều hơn với những sản phẩm có chứa siêu thực phẩm mà trước đây ít khi nghe tên như hạt chia (Chiasamen), quả acai (Acai-Beeren), quả kỷ tử (Gojibeeren), hạt lanh (Leinsamen), quả camu (Camu-Camu-Frucht), bột maca (Maca-Wurzel là một loại sâm của Peru).
Thậm chí nhiều thực phẩm chúng ta vốn rất quen thuộc và tưởng đã biết rõ công dụng hiện cũng được đưa vào danh sách các siêu thực phẩm như súp lơ xanh, hạt óc chó, củ nghệ, gừng, tảo biển, trà matcha, trà xanh, thậm chí lá bồ công anh và cà phê v.v… Tuy nhiên, theo giáo sư Udo Rabast, viện trưởng Học viện Y học dinh dưỡng của Đức (Deutsche Akademie für Ernährungsmedizin) trao đổi với báo Apotheken-Umschau (số ra ngày 15-08-2018), thì giá trị dinh dưỡng đặc biệt tốt cho sức khỏe của những siêu thực phẩm kể trên chưa hề được bất cứ khảo sát hay nghiên cứu nào xác nhận, nghĩa là trên thực tế, chúng đều có thể thay thế bằng những thực phẩm gọi là “bình thường” khác.
Trong rất nhiều trào lưu khác nhau, đa số người tiêu dùng ngày nay lựa chọn phương pháp “từ bỏ”, nghĩa là họ loại bỏ một số thực phẩm khỏi thực đơn hàng ngày, ví dụ không ăn thịt, không ăn bột mỳ, không ăn đường, ăn ít muối, không uống sữa, ăn chay trường, chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Họ hoàn toàn tách ra khỏi nhóm những người ăn đều ba bữa và ăn đủ mọi thứ, cảm giác trở nên “đặc biệt” hơn, thậm chí “có ích” hay “khỏe mạnh” hơn.
Trào lưu ưu tiên sản phẩm thực vật
Trên báo Apotheken-Umschau, cô Hanni Rützler, nhà nghiên cứu dinh dưỡng và xu hướng ẩm thực tại Wien (Áo) cho biết, đặc biệt những người sinh khoảng từ năm 1980 trở về sau này thường hay kết nối ẩm thực với phong cách sống, cả với những khía cạnh đạo đức như bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật. Họ cố gắng chỉ sử dụng những sản phẩm của bản xứ, được chăn nuôi, trồng trọt quanh vùng nơi họ sinh sống, chứ không mua rau, hoa quả hay thực phẩm được vận chuyển chặng đường xa hay nhập từ nước ngoài về. Mong muốn của họ là tạo dựng một tương lai bền vững và khỏe mạnh hơn.
Cô Rützler cũng giải thích, mỗi trào lưu ẩm thực thường kéo dài trung bình từ 7 đến 15 năm, nhưng nhờ vào các trang blog ẩm thực trực tuyến thời đại này, những trào lưu cũng ngày càng lan rộng và phát triển nhanh hơn trước. Chỉ cần một thực phẩm xuất hiện trên mạng được gọi là siêu thực phẩm, rất nhanh chúng cũng sẽ lên báo và cuối cùng các siêu thị sẽ bày bán chúng, các quán ăn sẽ đưa chúng vào thực đơn.
Ví như trào lưu mạnh nhất hiện nay là ưu tiên những sản phẩm thực vật, đẩy lùi các món hoặc nguyên liệu có nguồn gốc động vật, thậm chí coi đó là “thực phẩm xấu”, “thực phẩm có hại”. Dù vậy, như giáo sư tâm lý sức khỏe và dinh dưỡng thuộc trường Đại học Fulda, ông Johann Christoph Klotter, nhấn mạnh, thì “nếu chúng ta đặt kỳ vọng và yêu cầu quá cao vào việc dinh dưỡng của mình, bắt buộc và gò bó mình luôn phải tuân thủ những qui định nghiêm ngặt, chỉ dùng những siêu thực phẩm được coi là tốt cho sức khỏe … rồi chính chúng ta sẽ dễ dàng mắc bệnh rối loạn dinh dưỡng”.
Theo ông, không có bất cứ chế độ dinh dưỡng nào gọi là tốt nhất, mà mỗi người đều phải tự đề ra nguyên tắc sao cho phù hợp với chính bản thân mình, thay vì chạy theo trào lưu nào đó. “Có rất nhiều thực phẩm tốt, mỗi loại lại có một chức năng, công dụng khác nhau, cũng sẽ không mang lại hiệu quả giống nhau đối với mỗi cá thể. Chỉ cần chúng ta có chế độ dinh dưỡng đa dạng là đã đóng góp một phần lớn bảo vệ sức khỏe của mình rồi.”
Cẩm Chi