Tỉ lệ ủng hộ bất ngờ dành cho Green Party (Đảng Xanh) giúp “môi trường” Nghị viện châu Âu “xanh” hơn, nhưng không chắc thân thiện hơn.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đêm 26-5 (theo giờ Brussels) mang lại những cảm xúc trái ngược. Tờ Financial Times (Anh) giật tít “Các đảng ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) giữ vị thế trên khắp châu lục”, nhưng nội dung vẫn không thể bỏ qua chi tiết rằng phe cực hữu có chiến thắng quan trọng.
Lay chuyển
Nhìn chung, kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu có thể gói gọn trong một mệnh đề: khối đảng truyền thống suy yếu, phe cực hữu thắng nhưng không đậm như dự kiến.
Như đánh giá của nhà phân tích chính trị Janis Emmanouilidis thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu (trụ sở Brussels, Bỉ), các đảng ủng hộ châu Âu vẫn nắm giữ chừng 80% số ghế.
“Xét về nhóm, phe dân túy cánh hữu gộp lại không mạnh mẽ như cảnh báo trước đây. Chúng ta đều đã biết trước họ không nắm đa số ghế, nhưng có vẻ họ cũng yếu hơn chúng ta tưởng”, ông Emmanouilidis nhận định.
Khối Đảng Nhân dân châu Âu (EEP) và Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) dự kiến chia nhau 44% tổng số ghế ở Nghị viện châu Âu. Đây là hai khối đảng đại diện cho quyền lực truyền thống, vốn dĩ duy trì suốt 40 năm qua ở lục địa già.
Đã không có một cú sốc thực sự lớn trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, kể cả những người lạc quan nhất cũng không thể che giấu thực tế rằng EEP và S&D không còn giữ được thế độc tôn.
Nói cách khác, những người theo đường lối trung dung và ủng hộ EU đoàn kết cũng chỉ thở phào nhẹ nhõm rằng phe cực hữu đã thắng nhưng an ủi là thắng không lớn như lo ngại.
Tại các nước như Ba Lan, Hungary và Ý, phe cực hữu và dân túy giành chiến thắng đậm. Ở Pháp, ứng viên cực hữu của cuộc bầu cử năm 2017 Marine Le Pen đã trở lại khi đánh bại đương kim Tổng thống Emmanuel Macron với khoảng cách 1 điểm phần trăm sít sao, theo ước tính của nghị viện.
Đây dẫu sao cũng là những chiến thắng rất đáng chú ý trong bối cảnh nỗi sợ quan điểm cực hữu đang ám ảnh châu Âu suốt vài năm nay.
Trong tình thế đó, sự vươn lên của Đảng Xanh như một luồng gió mát thổi vào bầu không khí chính trường châu Âu.
Và lúc này, những tờ báo ủng hộ chống biến đổi khí hậu – một trong những khuynh hướng hoạt động của khối Đảng Xanh, có thể thấy công việc của mình hữu ích trong việc ngăn cản không chỉ vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn là ô nhiễm chính trị cực đoan.
Tín hiệu cải cách
Tỉ lệ ủng hộ dành cho phe cực hữu hiện tại không đủ lớn để giúp các khối này tác động thực sự lên chính sách của châu Âu, nhưng sự suy yếu của EEP và S&D cũng đủ đưa ra lời cảnh báo cho những người ủng hộ châu Âu đoàn kết.
Đài Đức Deutsche Welle lo lắng gọi đây là “hồi chuông cảnh báo”, còn Bộ trưởng Nội vụ Ý Matteo Salvini, lãnh đạo Đảng cực hữu Liên đoàn (League), thì hân hoan tuyên bố “châu Âu mới đã được sinh ra”.
League, đảng mang quan điểm chống nhập cư, được dự báo thắng 27-31% tỉ lệ phiếu bầu trong ngày bỏ phiếu – một kỷ lục của phe cực hữu tại Ý, theo hãng tin AFP.
Và thậm chí khi tạm an tâm về việc khối cực hữu không chiếm quá nhiều lợi thế, cuộc bầu cử lần này cũng phác thảo bức tranh tương đối rối rắm cho việc làm chính sách của châu Âu sắp tới.
Lần đầu tiên kể từ năm 1979, EEP và S&D không thể hình thành một cặp khối đảng trung tả và trung hữu để dẫn dắt châu Âu. Hiện nay, họ được dự đoán phải liên minh với Đảng Tự do và Đảng Xanh, đồng nghĩa có tới 4 đảng tham gia vào các quyết sách tương lai.
Truyền thông châu Âu cho rằng tất cả những diễn biến này có thể mang lại cái gọi là “sự cân bằng mới”, như lời lãnh đạo của nhóm đảng chính trị Tự do và Dân chủ châu Âu, Guy Verhofstadt, và cũng là dịp để châu Âu thức tỉnh để cải cách.
Hai khối đảng lớn không còn tự động chiếm đa số nữa. Việc ra quyết định sẽ trở nên khó khăn hơn ở nghị viện, nhưng chắc chắn nó vẫn sẽ tiếp tục chức năng của mình”
Fabian Zuleeg, giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách châu Âu
51% Với gần 51% của hơn 400 triệu người đăng ký bỏ phiếu, cuộc bầu cử nghị viện năm nay chứng kiến tỉ lệ đi bầu cao nhất kể từ năm 1994. Bầu cử Nghị viện châu Âu được tiến hành theo hình thức phổ thông đầu phiếu, khi cử tri các nước bầu trực tiếp cho 751 thành viên nghị viện (MEP), đại diện cho 512 triệu người trong 28 nước thành viên EU. Số lượng MEP được phân bổ cố định cho từng quốc gia. Năm nay, người Anh vẫn đi bầu dù họ sắp rời khỏi EU. |
Theo Nhật Đăng / tuoitre.vn