TBVĐ- Tuổi dậy thì được xem là lứa tuổi chịu nhiều những biến đổi khó khăn và phức tạp nhất, do đó, dễ bị khủng hoảng nhất so với các tuổi khác.
Tuổi dậy thì là bản lề của tuổi trưởng thành, mặc dù đời người ai cũng trải qua giai đoạn đó. Nhưng với người Việt, bố mẹ sinh ra ở Việt Nam thì xã hội khác với ở nước Đức cho nên có nhiều bất cập, chúng ta hãy cùng Thời Báo Việt Đức, chuyên mục giáo dục, sẻ chia về vấn đề này.
Tuổi dậy thì là giai đoạn có rất nhiều biến đổi cả về thể chất lẫn tinh thần do hóc môn sinh dục phát triển rất nhanh. Đây là quá trình thay đổi từ cơ thể một đứa trẻ trở thành người lớn để có khả năng sinh sản. Dậy thì bắt đầu khi những tín hiệu hormone trong não truyền tới các tuyến sinh dục. Đáp lại, các tuyến này sản sinh ra nhiều loại hormone kích thích sự tăng trưởng. Hình thành chức năng và biến đổi não bộ cùng các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là cơ quan sinh dục.
Bước ngoặt lớn của dậy thì đối với trẻ gái trung bình diễn ra vào 12-13 tuổi, ngực phát triển, trẻ thường bắt đầu cao nhanh, tăng trưởng dần, dẫn tới kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Đối với trẻ trai là sự xuất tinh đầu tiên, trung bình diễn ra vào tuổi 13, cùng lúc này đó là vỡ giọng, cơ thể phát triển nhanh chóng, có em đau ở vùng ngực do bị ảnh hưởng của nội tiết tố đi qua. Con gái thường dậy thì xong lúc 15-17 tuổi, trong khi con trai thường dậy thì xong lúc 16-17 tuổi. Ngày nay tuổi dậy thì có chiều hướng sớm hơn do nhiều yếu tố dinh dưỡng, môi trường. Lẽ đương nhiên cũng tuỳ thuộc vào thể trạng từng em.
Cha mẹ phải là điểm tựa tinh thần cho con
Do yếu tố hormone thay đổi nên thời gian này các bé có nhiều biểu hiện tâm lý rất phức tạp. Nhiều khi những sự thay đổi ấy lại khiến các em rơi vào tình trạng không làm chủ được bản thân và dễ mắc phải các hội chứng tiêu cực. Các bác sĩ tâm lý đã đưa ra những nguy cơ gọi là hội chứng tâm lý tuổi dậy thì. Những biến đổi tâm lý khiến các em nhạy cảm hơn, cảm xúc cũng dễ thay đổi hơn, các em dễ gặp phải những trường hợp như ”rối loạn cảm xúc”, ”rối loạn tâm lý và hành vi”, “Stress và trầm cảm hay hưng cảm”, đây là những hội chứng phổ biến mà trẻ thường gặp phải. Cha mẹ cần hiểu con và thông cảm cũng như quan sát thật kỹ nhưng đừng để trẻ biết việc mình làm. Ngoài ra hình ảnh tiêu cực của cha mẹ cũng ảnh hưởng tới trẻ trong giai đoạn này cho nên không khí gia đình rất quan trọng đối với tâm lý của trẻ.
Thực tế bố mẹ Việt ở Đức
Điều đặc biệt với cha mẹ Việt ở đây là sự thấu hiểu giữa phụ huynh và con cái không như ở trong nước vì nhiều nguyên nhân. Trong đó khác biệt về văn hoá và rào cản ngôn ngữ là nguyên nhân phổ biến nhất nên dễ nảy sinh vấn đề tiêu cực. Người Việt hay khen chê con trước mặt người khác và trước mặt con, nhiều người vô duyên kể những điều thầm kín con đang phải trải qua. Đặc biệt lại có người cấm cản hay dùng bạo lực với con cả thể chất lẫn tinh thần vì cho rằng con đang thay đổi theo chiều hướng xấu.
Viết về lĩnh vực giáo dục, để có tư liệu tôi thường tiếp xúc nhiều với đủ tầng lớp trong xã hội và đặc biệt là học sinh, sinh viên cùng các phụ huynh. Tôi hy vọng từ những điều chưa hợp lý trong giáo dục của bố mẹ Việt mà tôi có được qua tư liệu thực tế, từ đây tìm ra giải pháp tích cực hơn trong vấn đề giáo dục trẻ. Chuyện con bước vào tuổi trưởng thành phải qua giai đoạn dậy thì là một đề tài rất quan trọng. Thực tế nhiều chuyện đau lòng xảy ra giữa cha mẹ và con cái ở Đức khi ngôn ngữ bất đồng và giáo dục, văn hoá khác biệt. Sự tổn thương đối với trẻ trong mọi lứa tuổi đều là những ảnh hưởng tai hại cho con. Trong lứa tuổi dậy thì càng trở nên nghiêm trọng, đã có những trường hợp trẻ bỏ nhà đi, tố cáo cha mẹ với công an và sở thanh thiếu niên, bố mẹ mất quyền nuôi dưỡng trẻ. Nhiều em thậm chí ghét bố mẹ chỉ mong lớn để rời khỏi gia đình. Nguy hiểm hơn là không chịu nổi áp lực và ít chia sẻ, trẻ tìm cách tự vẫn, có em thực hiện rất nhanh chóng, lại có em trầm cảm lâu dài mới đi đến quyết định trên, khi cha mẹ biết thì đã muộn.
Giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì
Như đã kể trên, trẻ trong nước và sinh ra ở Đức cả thể chất lẫn môi trường sống hoàn toàn khác biệt. Nếu cha mẹ dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình theo văn hoá Việt sẽ gây khó khăn cho giáo dục con và áp lực cho các bé rất nhiều.
Điều quan trọng nhất là tôn trọng trẻ, cùng con chia sẻ khó khăn bằng cách gần gũi như bè bạn, theo dõi sát sao nhưng không để con cảm thấy tù túng. Cha mẹ tạo được niềm tin con cái sẽ sẻ chia, ngược lại khó tính áp đặt vô lý hay chê bai, xúc phạm, trẻ sẽ không bao giờ chọn phụ huynh làm điểm tựa lúc khó khăn.
Chuyện yêu đương tình cảm trong giai đoạn này rất dễ xảy ra. Nó là chuyện bình thường, hãy gần con, kể con nghe thời mình cùng tuổi, đừng làm nghiêm trọng vấn đề khi con hỏi chuyện riêng tư hay tình dục, như thế mới có cơ hội khuyên con điều hay, lẽ phải. Khác với nhà trường Việt nam, trường học của Đức có giáo viên phụ trách tâm lý, khi gặp khó khăn, cha mẹ nên tìm đến hẹn gặp và trình bày cùng họ để giải quyết vấn đề. Ngoài ra sở thanh thiếu niên hay bác sĩ tâm lý luôn là nơi rất tin cậy để bố mẹ có thể tìm hiểu thông tin và nhờ sự giúp đỡ hữu hiệu.
Cũng xin nói thêm rằng, không chỉ có trẻ Việt rơi vào khó khăn trong giai đoạn này mà ngay trẻ em Đức cũng vậy. Tỷ lệ tự tử ở tuổi này cũng cao hơn và đặc biệt là những tò mò giới tính khiến trẻ muốn thoả mãn gây nên chuyện mang thai sớm ở trẻ gái. Trẻ Việt cũng không ngoại lệ vì thế sự hiểu biết, cảm thông của cha mẹ là nơi nương tựa lớn nhất cho con. Hãy dành thời gian tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này để cùng con qua tuổi dậy thì một cách tích cực nhất.
Mai Anh