Tòa án Công lý châu Âu phán quyết Google không cần áp dụng “quyền được lãng quên” trên toàn thế giới.
“Quyền được lãng quên” về lí thuyết là quyền của một người được tự do quyết định cuộc sống mà không bị lên án bởi hậu quả để lại từ hành động người đó thực hiện trong quá khứ.
Trong thời đại số, một người có “quyền được lãng quên” là được phép gỡ bỏ khỏi internet những thông tin, hình ảnh, đoạn phim có liên quan tới mình, khiến người khác không thể tìm được chúng thông qua các công cụ tìm kiếm như Google.
Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ngày 24-9 đưa ra phán quyết khẳng định “quyền được lãng quên” của những người sử dụng mạng Internet ở châu Âu sẽ không được áp dụng trên quy mô toàn cầu đối với các công cụ tìm kiếm như Google, theo CNBC.
“Tòa án kết luận rằng, hiện luật của EU không có quy định đối với 1 hãng vận hành công cụ tìm kiếm… phải thực hiện việc bỏ tham chiếu (de-referencing) trên toàn bộ các phiên bản công cụ tìm kiếm của mình”, tuyên bố từ ECJ viết.
Vụ kiện xuất phát từ một quyết định năm 2016 của Ủy ban quốc gia về thông tin và quyền tự do Pháp (CNIL). Cụ thể, CNIL phạt Goolge 100.000 euro vì từ chối thực thi “quyền được lãng quên” trên toàn cầu, thay vì chỉ áp dụng với các phiên bản công cụ tìm kiếm tại châu Âu.
ECJ đã xem xét 2 vấn đề riêng rẽ. Một là về vấn đề Google phải tháo thông tin cá nhân nhạy cảm khỏi công cụ tìm kiếm trên toàn cầu hay chỉ tại châu Âu. Vấn đề còn lại là liệu hãng có buộc phải tự động xóa các kết quả tìm kiếm có liên quan tới thông tin nhạy cảm hay không.
Trước đây, một phán quyết liên quan từng được đưa ra năm năm 2014. Phán quyết này cho phép công dân EU có quyền yêu cầu các công cụ tìm kiếm, trong đó có Google, xóa thông tin nhạy cảm về mình. Ví dụ như các trường hợp phạm tội trong quá khứ.
Theo Nguyên Hạnh / tuoitre.vn