Theo tạp chí Politique Internationale, nếu so với London, Paris hay Rome, đời sống chính trị nước Đức giống như một con sông dài yên bình. Tại Anh, cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 đã khiến hệ thống nghị viện lâu đời nhất thế giới rơi vào hỗn loạn. Tại Pháp, cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp năm 2017 đã đưa nền Cộng hòa thứ 5 bước sang một kỷ nguyên mới. Tại Italy, liên minh giữa đảng Liên đoàn và đảng Phong trào Năm sao, nắm quyền từ tháng 6-2018 đến tháng 9-2019, đã khiến đất nước lần đầu tiên được lãnh đạo bởi một chính phủ hoài nghi châu Âu. Đức đã không trải qua những biến động như các nước kia.
Gần như cùng nhận định, báo Pháp Le Monde cho biết, năm 2020 vốn hứa hẹn sẽ là một năm tương đối yên tĩnh trên mặt trận chính trị ở Đức. Liên minh CDU-SPD dường như có thể cầm cự cho đến mùa thu năm 2021 sau vài biến cố. Về phần Thủ tướng Angela Merkel, tuy đã giảm sút về uy tín chính trị nhưng vẫn đứng đầu trong cuộc thăm dò độ nổi tiếng sau 14 năm nắm quyền. Bà Merkel hy vọng kết thúc nhiệm kỳ thứ 4 suôn sẻ với sự kiện lớn đang chờ đợi Đức trong năm nay: Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), từ ngày 1-7 đến 31-12.
Vậy mà, chỉ trong vài ngày, Đức đã rơi vào khủng hoảng chính trị chưa từng có. Ông Thomas Kemmerich, ứng cử viên đảng Dân chủ tự do Đức (FDP), đã trở thành Thủ hiến bang Thüringen nhờ lá phiếu của CDU và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Việc cùng với đảng dân túy cánh hữu bầu cho một ứng cử viên đã gây ra làn sóng chỉ trích trên toàn liên bang, vi phạm điều cấm kỵ lâu nay của CDU, vốn là không hợp tác ở mọi cấp độ với AfD. Vụ việc khiến uy tín của bà Karrenbauer cũng bị ảnh hưởng mạnh khi có tới 72% ý kiến cho rằng bà không phù hợp để lãnh đạo CDU. Kết quả, bà Annegret Kramp-Karrenbauer, người được xem là lựa chọn sáng giá để kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã tuyên bố không tranh cử thủ tướng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2021, đồng thời sẽ sớm từ chức Chủ tịch đảng CDU.
Trong 14 năm qua, CDU đứng vững dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Merkel, người đã có những quyết định táo bạo về năng lượng hạt nhân, chào đón 1 triệu người tị nạn và cho phép áp dụng luật hôn nhân đồng giới… Nhưng bà Merkel luôn rất rõ ràng, không liên minh với đảng Die Linke cánh tả hay với AfD.
Những tháng tới sẽ là quãng thời gian có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của nước Đức. Nếu mọi việc diễn ra theo như dự kiến, bà Merkel sẽ rời khỏi quyền lực sau cuộc bầu cử lập pháp vào mùa thu năm 2021. Nhưng kể từ khi bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4, một câu hỏi luôn được đặt ra: Thủ tướng sẽ tại vị cho đến thời điểm đó hay bà sẽ buộc phải từ chức sớm hơn dự định? Các nhà quan sát cho rằng, chưa biết liên minh sẽ chịu được “cú sốc Thuringia” trong bao lâu, nhưng có thể các ứng cử viên cho sự kế vị Thủ tướng Merkel muốn tận dụng sự rút lui của bà Karrenbauer để đẩy nhanh sự ra đi của Thủ tướng. Tuy nhiên, nếu có trách nhiệm đối với vị thế của Đức ở châu Âu, các quan chức CDU không thể cho phép mình “đi đêm” với AfD bởi khi cánh hữu dân chủ bắt tay với cực hữu, phe cực hữu luôn là người chiến thắng.
Theo Việt Khuê / sggp.org.vn