Olaf Scholz, lãnh đạo SPD, đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và có thể trở thành tân Thủ tướng Đức, nhưng cuộc đua vẫn chưa kết thúc khi Armin Laschet, ứng viên thủ tướng của CDU, tuyên bố sẽ làm “mọi thứ có thể” để lập một liên minh cầm quyền.
Chiếc ghế Thủ tướng Đức vẫn chưa có chủ
Trong một khoảnh khắc, có cảm giác như Olaf Scholz đã trở thành thủ tướng. Ông Scholz đứng trên sân khấu, xung quanh là những người ủng hộ phấn khích hô vang tên ông, ăn mừng như thể ông sẽ là nhà lãnh đạo tiếp theo của Đức.
Ông Scholz đã làm được một điều khó tin khi đưa đảng Dân chủ Xã hội (SPD) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, kết quả bầu cử sít sao chưa đủ để khẳng định ai sẽ trở thành thủ tướng. Giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đua vẫn còn ở phía trước.
Olaf Scholz, một chính trị gia dễ gần nhưng có tính kỷ luật, đã giữ chức vụ phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính trong chính phủ sắp mãn nhiệm của Thủ tướng Angela Merkel. Lãnh đạo SPD thuyết phục các cử tri rằng ông là một người mang đến sự ổn định và liên tục, chứ không phải sự thay đổi.
Theo NY Times, không phải là người Đức đã đột ngột chuyển sang ủng hộ SPD. Trên thực tế, 3/4 người Đức đã không bỏ phiếu cho đảng của mình. Trong chiến dịch tranh cử, ông Scholz đã vận động cử tri bằng cách đề cập tới những vấn đề quan trọng như tăng mức lương cơ bản, củng cố ngành công nghiệp Đức và chống biến đổi khí hậu.
Dù giành được số phiếu bầu cao nhất, ông Scholz vẫn chưa chắc chắn trở thành thủ tướng. Ông Scholz có lợi thế nhiều nhất để đàm phán thành lập chính phủ liên minh, nhưng đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Hôm 27/9, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Armin Laschet tiếp tục nhấn mạnh rằng ông sẽ làm “mọi thứ có thể” để thành lập một liên minh cầm quyền. Động thái này khiến động lực của ông Scholz dường như giảm dần khi ông Laschet ngày càng chứng tỏ ông là người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong các cuộc đàm phán liên minh có sự tham gia của hai đảng khác.
Chiến thắng bất ngờ của SPD trong cuộc bầu cử phần lớn dựa vào sự nổi tiếng của ông Scholz. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ông Scholz không giải quyết được các vấn đề sâu xa và sự chia rẽ từng gây khó khăn cho SPD.
“Đảng Dân chủ Xã hội không đưa ra một kế hoạch mới, họ chỉ mang đến một người trung lập khiến bạn quên đi đảng phía sau”, Thomas Kleine-Brockhoff tại Quỹ Marshall của Đức cho biết.
Giờ đây, ông Scholz sẽ không chỉ phải làm hài lòng SPD mà còn phải đối mặt với một bối cảnh chính trị hoàn toàn mới.
Thay vì 2 đảng thống trị cạnh tranh để liên minh với một đối tác khác, 4 đảng tầm trung hiện đang tranh giành một vị trí trong chính phủ. Lần đầu tiên kể từ những năm 1950, vị thủ tướng tiếp theo của Đức phải có một liên minh của ít nhất 3 đảng để đạt thỏa thuận thành lập chính phủ. Đây là cách mà Armin Laschet, đối thủ của lãnh đạo SPD, về mặt lý thuyết vẫn có thể đánh bại ông Scholz để trở thành thủ tướng.
Một kỷ nguyên mới trong chính trị tại Đức đã chính thức bắt đầu và vẫn còn khá lộn xộn. Bối cảnh chính trị của Đức, vốn được coi là ổn định một cách nhàm chán, nơi một số thủ tướng đã nắm quyền trong hơn một thập kỷ, đã chia thành nhiều đảng phái với quy mô không quá khác biệt.
“Có một sự thay đổi cấu trúc đang diễn ra và tôi nghĩ chúng ta chưa hiểu rõ. Chúng ta đang phải đối mặt với một sự thay đổi trong hệ thống đảng chỉ mới xuất hiện vài tuần trước. Một ván cờ đa chiều đã mở ra”, ông Kleine-Brockhoff nói.
Ông Scholz đang bước vào một hành trình khó khăn, nơi quyền quyết định ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo Đức tiếp theo gần như phụ thuộc vào hai đảng nhỏ. Để thành lập liên minh cầm quyền, ông Scholz sẽ phải đàm phán với đảng Xanh đạt được 14,8% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử và đảng Dân chủ Tự do với 11,5% số phiếu bầu. Nếu liên minh, hai đảng này sẽ mạnh hơn một trong hai đảng chính là SPD và CDU.
Cuộc đua gay cấn
Trong khi đó, ông Laschet, người không nhận được nhiều sự ủng hộ và mắc nhiều sai lầm trong chiến dịch tranh cử khiến CDU ghi nhận kết quả bầu cử tồi tệ nhất từ trước đến nay, cho biết sẽ không nhượng bộ vì lý do “đạo đức” và bỏ qua mọi lời kêu gọi chấp nhận thất bại từ CDU.
“Không ai nên hành xử như thể một mình có thể xây dựng chính phủ. Bạn sẽ trở thành thủ tướng nếu giành được đa số”, ông Laschet nói.
Trong lịch sử, không phải Đức chưa từng ghi nhận trường hợp người thua số phiếu phổ thông trở thành thủ tướng. Vào các năm 1969, 1976 và 1980, Willy Brandt và Helmut Schmidt, cả hai thủ tướng thuộc đảng SPD, đã thành lập chính phủ liên minh sau khi thua số phiếu phổ thông. Nhưng cả hai người đều đạt được 40% số phiếu bầu và không phải đối mặt với các cuộc đàm phán đa đảng phức tạp như hiện tại.
Một số người thuộc phe bảo thủ đã thúc giục ông Laschet chấp nhận kết quả bầu cử. “Đó là một thất bại”, Thủ hiến bang Hesse Volker Bouffier nói.
Ellen Demuth, một nhà lập pháp bảo thủ, cảnh báo rằng việc ông Laschet từ chối chấp nhận kết quả đang gây tổn hại thêm cho CDU. “Ông ấy đã thua. Hãy chấp nhận điều đó. Đừng làm tổn hại CDU thêm nữa và hãy từ chức”, Demuth viết trên Twitter.
Lãnh đạo của phe thanh niên bảo thủ cũng tỏ ra cứng rắn. “Chúng tôi cần một sự đổi mới thực sự”, Marcus Mündlein cho biết và nói thêm rằng điều này chỉ xảy ra nếu ông Laschet chịu nhượng bộ và từ chức.
Một cuộc thăm dò dư luận được công bố sau cuộc bầu cử cho thấy, hơn một nửa người Đức thích một liên minh do ông Scholz lãnh đạo, trong khi chỉ 1/3 nói rằng họ muốn ông Laschet lãnh đạo. Khi được hỏi họ mong muốn ai trở thành thủ tướng, 62% lựa chọn ông Scholz và chỉ 16% ủng hộ ông Laschet.
Một số người cho rằng một chính phủ do ông Scholz lãnh đạo sẽ mang đến cho SPD cơ hội lấy lại vận may đang suy giảm.
“Đó là một thời khắc quan trọng đối với nền dân chủ xã hội Đức đang trên bờ vực suy thoái vĩnh viễn. Ông Scholz sẽ có một vị trí quyền lực vì chính ông ấy là lý do giúp đảng giành chiến thắng”, ông Kleine-Brockhoff nói./.