Ngày 13/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Âu coi trọng hội chứng COVID kéo dài trong bối cảnh ít nhất 17 triệu người ở khu vực châu Âu đã trải qua hội chứng này trong 2 năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.
Trong một tuyên bố, người phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge nêu rõ: “Chính phủ và các đối tác y tế phải hợp tác để tìm ra giải pháp (cho hội chứng COVID kéo dài) dựa trên hoạt động nghiên cứu và bằng chứng”.
Với dự báo hàng triệu người ở châu Âu có thể mắc hội chứng COVID kéo dài trong những năm tới, WHO kêu gọi các nước trong khu vực chú ý tới hội chứng hậu COVID-19 này bằng cách gấp rút đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và hồi phục sức khỏe liên quan tới hội chứng này.
Theo kết quả một nghiên cứu quốc tế mới đây do Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) thực hiện trong năm 2020 và 2021, số ca mới mắc hội chứng COVID kéo dài từ năm 2020 – 2021 đã tăng 307% do số ca mắc COVID-19 gia tăng từ cuối năm 2020 cho đến hết năm 2021. Nghiên cứu cho thấy nữ giới mắc hội chứng COVID kéo dài nhiều hơn 2 lần so với nam giới. Ngoài ra, trong số các ca mắc COVID-19 thể nặng cần nhập viện, cứ trong 3 nữ có 1 người mắc COVID kéo dài, trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 1/5.
Theo ông Kluge, các nước trong khu vực châu Âu cần phải thừa nhận rằng hội chứng COVID kéo dài là một vấn đề nghiêm trọng, gây ra hậu quả nghiêm trọng và do vậy, các nước châu Âu cần ứng phó nghiêm túc để ngăn chặn hội chứng này.
WHO định nghĩa hội chứng COVID kéo dài là một loạt các triệu chứng trong thời gian dài mà một số người đã trải qua sau khi mắc COVID-19. Những người mắc COVID kéo dài có thể gặp các vấn đề về thể lực lẫn trí lực, với các triệu chứng xảy ra trong khoảng thời gian khác nhau, như mệt mỏi, khó thở, bất thường về tim mạch, chứng đau nửa đầu, não “sương mù”, trầm cảm và lo lắng,…