Sáng kiến „Hỗ trợ đón sinh viên tại sân bay Frankfurt“ đã giúp đỡ không ít người từ xa đặt chân đến nước Đức.
Một nỗi lo chung của nhiều người khi vừa đặt chân sang nước Đức chính là không có người thân đưa đón. Hiểu được nỗi khó khăn này, bạn trẻ Hoàng Hà đã lập ra hội „Hỗ trợ đón sinh viên tại sân bay Frankfurt“ trên Facebook. Cộng tác viên Cẩm Chi của Thời báo Việt Đức đã có buổi phỏng vấn ngắn với cậu thanh niên năng động này.
“Cứu cánh” của bạn trẻ lẫn người già ở sân bay
+ Ý tưởng giúp đỡ các bạn Việt Nam khi đặt chân đến sân bay ở Đức của em xuất phát từ đâu?
Khi vừa mới sang Đức, em có phần may mắn hơn nhiều bạn ở đây vì có khá nhiều người nhà, và anh trai em hiện cũng đang học ở Frankfurt. Do đó, các thủ tục giấy tờ, cách đi lại, ăn ở, học hành, đều được mọi người hướng dẫn rất tận tình. Có một lần, một bạn trong hội sinh viên nhờ em ra đón ở sân bay và hướng dẫn cách mua vé tàu đến thành phố khác, vì bạn đó không quen ai ở Đức và đây cũng là lần đầu bạn đó ra nước ngoài. Từ đó em nghĩ đến việc lập ra “Hội hỗ trợ đưa đón sinh viên” với mục đích chia sẻ may mắn của mình với những bạn phải tự thân vận động khi sang Đức, tạo ra một cộng đồng sinh viên đoàn kết, biết giúp đỡ lẫn nhau bằng hành động chứ không phải chỉ là lời nói.
+ Em có thể chia sẻ thêm về cách thức hoạt động của Hội được không?
Khi các bạn sinh viên cần giúp đỡ tại sân bay Frankfurt liên hệ với em hoặc đưa bài lên Hội hỏi. Em sẽ tổng hợp lại và lập ra một lịch trình của tháng. Các bạn sinh viên có thể nhắn tin trực tuyến cho em qua hộp thư thoại (Messenger) của Facebook để gửi thông tin chuyến bay và trước khi lên máy bay đừng quên gửi một tấm hình chụp bản thân và hành lý để em có thể nhận diện ở sân bay. Vào những ngày có việc bận, em nhờ những bạn tình nguyện viên ở Frankfurt giúp đỡ, và tên người đón sẽ được ghi kèm theo ở phía sau trong lịch trình. Em sẽ tạo một “phòng chat chung” để cho bạn đón và bạn được đón có thể liên hệ trực tiếp với nhau. Cách thức đăng ký tình nguyện viên rất đơn giản, chỉ cần tìm hội “Hỗ trợ đón sinh viên tại Sân bay Frankfurt” hoặc vào đường link Facebook: https://www.facebook.com/groups/duadonsanbayfrankfurt/. Hội ưu tiên cho người già phải bay một mình và di chuyển đến thành phố khác, những người lần đầu tiên đến Đức, và những bạn sinh viên. Hiện tại bọn em đã sắp xếp công việc khá ổn định và đi vào nề nếp hơn.
+ Nhóm các em gồm có bao nhiêu bạn và tổ chức trên trang facebook như thế nào?
. Hiện ” Ekip” của em đang có 3 người làm chính. Nhưng vì 2 thành viên sắp tốt nghiệp nên khá bận rộn, vì vậy chủ yếu em sẽ hỗ trợ. Về phần hệ thống hội Facebook thì bọn em thường nhận được một lượng sinh viên đăng ký gia nhập rất lớn vào mỗi dịp trước khi nhập học, khoảng 300 thành viên đăng ký gia nhập. Trong khoảng đó có một số lượng nhỏ doanh nghiệp Việt Nam sang tham gia hội chợ triển lãm, và có mong muốn được hỗ trợ trong việc tham quan thành phố Frankfurt cũng như trong việc hỗ trợ sân bay.
Quản lý rủi ro bị lừa đảo
+ Trong quá trình hoạt động thì các em có những trải nghiệm vui buồn nào đặc biệt?
Trải nghiệm vui thì có khá nhiều (cười). Ví dụ, có hôm một chị nhờ em đón mẹ của chị ở sân bay. Bác lớn tuổi và đi một mình, sau đó phải bắt tàu đi tiếp đến thành phố nơi cô con gái ở. Hôm đó em đến sân bay như mọi ngày ngồi chờ chuyến bay của bác hạ cánh. Khi gặp được bác thì lại vô tình gặp một bác nữa cũng lớn tuổi đi một mình, và cũng phải đi thêm một chuyến tàu để đến Hannover. Em giúp bác đi đến Hannover trước vì chuyến của bác khởi hành trước và bác đã mua sẵn vé kèm theo vé máy bay rồi. Không may là khi vừa xách valy giùm bác lên tàu và bỏ valy ở gần ghế ngồi cho bác thì cửa tàu ICE đóng lại và em không kịp xuống. Thế là em phải đi một chặng đến Mainz và bắt tàu quay ngược lại để giúp bác còn lại. May mắn mọi thứ ổn thoả, hai bác đến nơi an toàn.
+ Có bao giờ em nghĩ đến những trường hợp lừa đảo hay lợi dụng sự tín nhiệm để trục lợi chưa?
. Đó cũng là điều em lo sợ mỗi ngày, thậm chí em đã lường ra được một số trường hợp từ trước khi thành lập ra hội. Ví dụ về phía người xấu giả danh tình nguyện viên, sử dụng những tài khoản facebook để nhận đăng ký hỗ trợ đón sinh viên. Nhưng may mắn thay là từ khi bắt đầu đến bây giờ cũng hơn 8 tháng vẫn chưa có vụ lừa đảo nào xảy ra, và tất cả các bạn sinh viên, các cô bác đều đến được nơi an toàn.
+ Em có những giải pháp nào để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất?
. Trường hợp thứ nhất có thể xảy ra là kẻ giả danh cố ý bỏ rơi sinh viên cần giúp đỡ để gây tiếng xấu cho chương trình của em. Thế nên, em luôn hướng dẫn các bạn sinh viên cách đăng nhập wifi ở sân bay để có thể liên lạc với các tình nguyện viên cũng như liên hệ trực tiếp với em. Em đã có sẵn những tình nguyện viên rất đáng tin tưởng chỉ ở cách sân bay 10 đến 15 phút đi tàu, để nếu có kẻ xấu “bỏ rơi” người cần giúp thì chậm nhất sau 25 phút sau các bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ mới.
Trường hợp thứ hai là người xấu sẽ dùng nhiều tài khoản facebook, số điện thoại viber để liên hệ để đặt kín lịch cả tuần từ thứ Hai đến Chủ nhật, làm cho bên em không thể sắp xếp được tình nguyện viên. Để giải quyết, em hay hỏi các bạn nếu muốn được giúp đỡ có thể gửi thông tin về vé máy bay cho em, và trước khi lên máy bay vui lòng gửi hình ảnh cá nhân + hình ảnh valy để em có thể nhận diện ở sân bay.
Trường hợp tệ hại hơn là người xấu dắt các bạn sinh viên đi lung tung, bắt cóc, hoặc có những đe doạ, xâm hại về thể xác. Website em đang làm là hệ thống khắc phục tối đa nhất về tình trạng này, khi mà tất cả thông tin người sử dụng đều rõ ràng, minh bạch. Bất cứ những vi phạm nghiêm trọng nào về pháp luật đều sẽ bị xử lý theo luật của CHLB Đức. Tất nhiên sẽ có số điện thoại hotline của em, khi các bạn sinh viên cảm thấy “có vấn đề” có thể liên hệ ngay lúc đó với em để tìm cách hợp lý giải quyết. Vì em sử dụng Facebook khá thành thạo, nên những tài khoản giả, lừa đảo, em nghĩ em cũng có thể phát hiện ra và đề phòng hơn.
Muốn phát triển dự án hiện đại hơn
+ Dự án của em rất ý nghĩa, vậy em có ý định phát triển hơn trong tương lai và nếu có thì định hướng ra sao?
Em muốn tiếp tục phát triển hội “Hỗ trợ đón sinh viên” trở nên tiện lợi hơn nữa, để sau này mọi người chỉ cần bấm một nút trên điện thoại hoặc máy tính như gọi uber hay grab ở Việt Nam vậy là được (uber và grab là phần mềm gọi taxi của Việt Nam – tòa soạn). Tuy nhiên em đang gặp khó khăn về vốn, nhưng em đang cố gắng đi làm thêm, hy vọng có thể tự mình làm được chương trình này mà không cần nhờ hỗ trợ tài chính. Mong muốn của em là trong tương lai không xa, tất cả chúng ta có thể di chuyển một cách thuận tiện, không lo gặp khó khăn cũng như luôn cảm thấy yên tâm khi đến các sân bay lớn.
+ Các ý tưởng đó hiện đã được em chuẩn bị tới đâu?
. Về phần website, thì trong khoảng hơn 1 tháng nay em đã lên các ý tưởng, cũng như cách hoạt động của hệ thống website đưa đón, để mọi người có thể đăng ký nhanh hơn, tiện hơn. Về mặt chuyên môn, thì em đang làm việc với một số người ở Việt Nam để nhờ trợ giúp về mặt kỹ thuật lập trình web, cũng như là các cách để phát triển website. Có thể em sẽ về Việt Nam 1 khoảng thời gian ngắn để công việc có thể hoàn thành nhanh hơn. Dự kiến sẽ ra mắt website vào ngày 2.5.2017 (kỷ niệm 1 năm em thành lập hội trên facebook ).
Mở studio nhạc và mơ ước trình diễn khắp châu Âu
Hoàng Hà (24 tuổi), sinh ra và lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàng Hà sang Đức vào tháng 4-2013 theo diện du học. Chia sẻ với Thời báo Việt Đức, Hoàng Hà bật mí tháng 2-11-2015, chàng sinh viên này mở một phòng thu âm ca nhạc Home Recording Studio với tên gọi 211 Studio – ngày kỷ niệm thành lập phòng thu. “Đây trước tiên là sở thích cá nhân của em, và hi vọng sau này có thể phát triển nó thành sự nghiệp. Em có may mắn được làm quen với rất nhiều các bạn nhạc công người Đức, Việt Nam lẫn người nước ngoài”, Hoàng Hà chia sẻ. Nói thêm về sở thích âm nhạc, Hoàng Hà cho hay bạn ấy đang thành lập một band nhạc với các thành viên là các bạn Indonesia sinh ra bên Đức, cả các bạn người Đức và Việt Nam. Hy vọng sau một thời gian có thể đi trình diễn ở những buổi diễn lớn ở Đức cũng như châu Âu. |
CẨM CHI thực hiện