Để mở đầu, những cây số đầu tiên trên lộ trình của những câu chuyện về giao thông trên nước Đức lẽ ra phải tuần tự. Thi lấy bằng như nào, mua xe ra sao v v… Nhưng hôm nay vừa nhận cái giấy phạt vượt đèn đỏ 118,50 euro nên tôi bắt đầu ngay bằng chuyện các ” anh hùng Núp và không núp” trước, theo kiểu tiện đâu kể đấy. Vả cũng là điều hay khi ta đề cập đến những khó khăn trước vì cũng bởi có chúng ta mới được lưu thông ngon lành cành đào trên từng cây số.
Cứ túi tiền đánh trước
Nước Đức có truyền thống về lắm thủ tục giấy tờ nhưng cũng rất tuần tự trong khuôn khổ pháp luật. Hôm đó tôi đang chạy xe của Linh, một người bạn dưới Hannover, nên giấy phạt gửi về cho chủ xe. Sau đó Linh điền vào một mẫu đơn có sẵn, rằng “đây không phải là tôi. Ngày ấy, giờ ấy ông Mỗ bà Mỗ nào đó ở số nhà này, phố này, tỉnh này sử dụng xe của tôi”. Lập tức tuần sau tôi nhận được một bức thư kèm ảnh chụp hỏi đây có đúng là ngài không? Nếu đúng thì yêu cầu ngài xác nhận và gửi trả lại thư này cho chúng tôi. Và hôm nay là giấy phạt đến. Đấy là còn may vì lỗi chưa nặng tới mức trừ điểm hoặc thu bằng lái.
Ở Đức không thấy kêu gọi ý thức giao thông theo kiểu mỗi người dân nên nâng cao trách nhiệm này kia mà cứ đánh thẳng vào túi tiền. Từ đó khắc nảy ra ý thức. Từ chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, chạy hoặc đậu xe ngược chiều, đậu xe không đúng chỗ quy định hoặc quá giờ ghi trên vé, nhất nhất đều phạt tiền ngay và luôn, nhanh như có thể.Tuy nhiên, mọi tình huống đều đã được lường trước để người vi phạm không cảm thấy bị oan uổng. Nếu bạn vượt đèn đỏ dưới một giây, có khả năng là bạn bị quá đà thì mức phạt khác. Còn nếu trên hai giây tức là bạn có biểu hiện cố tình thì mức phạt lại khác. Rút kinh nghiệm, nếu có định vượt thì vượt luôn, lưỡng lự như tôi giữa vượt và không vượt đủ thêm mấy chục euro cho 1 giây, quá đắt.
Ở Đức xé phong bì mà thấy có ảnh, (bên này gọi là ” ảnh chụp giá cao”) là buồn. Để khỏi buồn thêm, bạn nên lập tức chuyển tiền trả cho kịp với hẹn ghi trên giấy (thường là hai tuần). Nếu không, sau hai tuần bạn sẽ nhận thêm một thư nhắc nhở cộng số tiền phải trả thêm cho chi phí thư từ khoảng 5 euro. Sau khoảng 10 ngày, tuỳ theo giấy hẹn mà vẫn quên ư? Sẽ có một giấy nữa rất nhã nhặn nhắc cho bạn nhớ, cộng thêm khoảng 15 euro và lời khuyến cáo ” Đây là giấy nhắc cuối cùng. Nếu bạn “vẫn cứ không nhớ” thì sẽ có biện pháp. Đó là hôm mở thùng thư mà bạn thấy có cái phong bì nâu, đó là lệnh của toà án. Thời kỳ ăn ngon nói ngọt đã qua, đã đến lúc đối diện với pháp luật và quá muộn để bạn có thể lùi. Bạn sẽ phải trả tiền cho luật sư và toà án. Số tiền lớn gấp vài chục lần số tiền ban đầu.
Khi cả hai đều sai
Trong giao thông nếu tất cả đều đúng thì không có chuyện gì. Nếu có một ông sai tất gây tai nạn cho không chỉ một mà có khi nhiều người. Thế còn khi cả hai ông đều sai? Bạn tôi ở Berlin, kể: “Năm 2004 sau khi chơi tennis xong em uống một cốc bia như thường lệ. Đen cái là đang định đứng dậy về thì một ông bạn tha đến bịch cá khô Astrakan với chai Vodka Nga. Nể bạn, lại cũng có tí thèm, em làm thêm chén.Trời lạnh, đường khuya vắng vẻ. Đang huýt sáo vang, mắt nhìn thẳng tim đường mà đi thì bỗng thấy đèn xanh lập lòe đằng sau. Em vọt qua ngã tư rồi giảm tốc độ ngay vì phía trước có mấy xe bus đậu qua đêm, ý là nhường cho xe công an đi qua rồi lượn ra đi tiếp. Nào ngờ rầm một phát, xe công an tông thẳng vào sau chiếc BMW đời 7 của em làm nó văng về phía trước tới 10 m. Tắt máy, vừa kịp định thần thì một chú công an trẻ măng khoảng 18, 19 tuổi đến bên cửa hỏi:
-Anh có làm sao không?
-Mày nói cái gì?
-Tôi hỏi anh, cổ có bị chấn thương không?
Nhìn nét mặt, thấy rõ nó thật sự lo lắng cho mình nên em cũng dịu lại, mở cửa xe xem tổn thất thế nào. Đang ngó nghiêng thì một xe khác đỗ xịch ngay bên, một cậu Đức nhảy ra líu la líu lô. Sẵn đang cáu, em bảo:
-Không việc gì đến mày, biến cho tao nhờ.
-Ơ! Tao tự nguyện làm chứng cho mày mà! Tao ở phía sau nhìn thấy hết, mày không có lỗi.
Đúng là giận quá hóa dại. Em bèn xin lỗi rồi trao đổi số phone với nó để sau này tiện liên lạc. Trong khi đó, mấy tay công an cơ động đã kịp điện cho cảnh sát giao thông đến thụ lý vụ tai nạn. Chắc mẩm mình phải nên em đĩnh đạc, vênh vang như đúng rồi: -Tôi thấy xe sau nháy đèn xanh nhưng không bật còi hú (Martin- Horn) nên lập tức nép vào luồng phải, nhường hai luồng ngoài cho xe công an vượt. Luồng này có xe bus đậu qua đêm nên xe công an đằng nào cũng không thể đi được. Vậy mà họ tông thẳng vào đít xe tôi văng tới trước 10 m…
Cảnh sát giao thông là một ông già. Ông hiền từ kiên nhẫn lắng nghe những lời bực dọc của kẻ chắc mẩm mình là phải, rồi từ tốn :
-Ngài có uống ( rượu) không?-
Có, nhưng mỗi một tí không nhằm nhò gì.
-Vậy mời ngài thổi vào đây!
Nhìn kết quả 0,5/1000, ông thở dài:
-Nếu ngài không có tí cồn nào trong người thì lẽ phải thuộc về ngài 100/100 thật. Tiếc rằng với kết quả này thì chắc ngài phải cần đến luật sư rồi. -Được thôi! Tôi có luật sư và cả người làm chứng. Bây giờ tôi có thể về được chứ?
-Đáng tiếc là chưa. Bây giờ ngài phải đưa chìa khóa xe cho tôi. Tôi đánh xe đậu bên kia đường. Mai ngài có thể nhờ bạn đến lấy xe về. Còn bây giờ mời ngài theo tôi về đồn.
– Để làm gì?
– Chúng tôi phải nhờ bác sĩ kiểm tra sức khỏe xem cú va chạm vừa rồi có ảnh hưởng gì tới ngài không.
Khổ! Thế mà từ lúc ấy tới giờ mình toàn lo cho cái xe mà chả hề tự hỏi xem ông chủ của nó có hề hấn gì không. Bà bác sĩ thử máu rồi hỏi mấy câu xem em có bị khùng không rồi kết luận em bình thường, không khùng nhưng lượng cồn là 0,7/1000.
Sau một thời gian tòa phán quyết phạt em một năm đi bộ và nộp ngân quỹ 1000 euro. Thiệt hại xe công an không thấy nói gì. Luật sư của em bảo nếu hôm đó em không uống tí nào thì được đền chục nghìn euro !
Theo Mai Lâm / Thể thao & Văn hóa
(*) Nhạc sĩ Mai Lâm hiện sinh sống tại Đức. Ông là tác giả và đồng tác giả của các Album : Hà Nội mùa thu sớm, Từ xa Hà Nội, Thiên đường (với Anh Quân, Huy Tuấn), đã xuất bản tản văn Từ xa Hà Nội (NXB Văn học)
(**) Tựa bài do thời báo Việt Đức đặt lại. Tựa gốc “Tốc độ và giấy phạt”.