Làm dự án mới có điều kiện tìm hiểu chi tiết hơn các chủ đề và chúng tôi nhận ra một điều rằng, đi sâu vào lĩnh vực nào nào cũng rất hấp dẫn, rất lôi cuốn. Chẳng hạn, phần lớn trong chúng ta đều đã nghe khái niệm „Chiến tranh lạnh“ giữa hai phe đối đầu là XHCN (do Liên Xô đứng đầu) và TBCN (do Mỹ đứng đầu). Giải thích hiện tượng này người ta chỉ nói đến quan điểm quá khác nhau giữa hai hệ thống TBCN và XHCN. Điều đó đúng, nhưng chung chung, không nêu được nguyên nhân cụ thể.
… Chế độ phát xít của Hitler ở Đức từ năm 1933 đến 1945 là một nguy cơ rất lớn đối với nhân loại. Các cường quốc Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô phải bắt tay nhau để đập nát chế độ này, ngăn ngừa thảm họa cho loài người. Liên Xô tạo mặt trận miền đông còn Anh, Pháp, Mỹ mặt trận miền tây tấn công vào sào huyệt phát xít vào những năm 1944/ 45. Nhưng sau khi Đức đầu hàng, liên minh chống phát xít thể hiện ngay những rạn nứt không thể hàn gắn nổi.
Ngay sau khi ngừng tiếng súng, tổng thống Mỹ Roosevelt đề nghị chính sách „One-World-Politic“, tức là kêu gọi toàn thế giới trong tương lai cần giải quyết mọi tranh chấp thông qua đám phán thương lượng, chứ không để chiến tranh tàn khốc xảy ra. Liên Hiệp Quốc sẽ là cơ quan tìm cách thực hiện nghĩa vụ này.
Người kế nhiệm Roosevelt là Truman đề nghị Mỹ nhận trách nhiệm là nước môi giới để giải quyết mọi vấn đề trong hòa bình. Chỉ ít lâu sau, Mỹ và các nước đồng minh phương tây nhận ra rằng, Liên Xô muốn bành trướng quyền lực sang Tây Âu, ví dụ tạo liên minh vệ tinh gồm Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung-ga-ri, Bul-ga-ri. Đó là những nước thực hiện mô hình Xô viết để quản lý xã hội. Phương tây lo ngại theo dõi sự kiện này nhưng chưa có phản ứng gì đáng kể. Đến khi Liên Xô muốn truyền bá chế độ chính trị của họ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, những nước không dính líu nhiều với họ, thì thái độ của Mỹ khác hẳn. Học thuyết Truman ra đời 1947 nhằm bảo vệ các nước phương tây và chặn đứng sự bành trướng của Liên Xô (Containment Politic). Thủ tướng Anh Churchill gọi đường phân giải do Truman vẽ từ Triest (bờ biển phía bắc nước Ý) đến Stettin (bờ biển phía tây Ba Lan) là „bức màn sắt“. Chiến tranh lạnh bắt đầu từ đó, hai bên rất hạn chế quan hệ, tình hình căng thẳng sẵn sàng nổ súng.
Liên Xô lập một khối gồm các đảng cộng sản Đông Âu dưới quyền lãnh đạo của Liên Xô chống phương Tây. Ở tất cả các nước XHCN, họ cho học tập „Lý thuyết hai phe đối đầu“ gán cho hai phe những hệ giá trị trái ngược nhau. Phương Đông thì chống đế quốc, yêu chuộng hòa bình và xã hội dân chủ, trong khi Phương Tây thì thực hiện chính sách đế quốc, hiếu chiến và xã hội phản dân chủ.
Ở các nước XHCN, ai có liên quan đến Phương Tây là có tội tuyên truyền cho kẻ thù không đội trời chung.
Hội nghị Potsdam quyết định chia nước Đức làm bốn phần với 5 mục đích chính là:
– Đập tan bộ máy quân sự của Đức quốc xã
– Bảo vệ châu Âu trước một nước Đức hiếu chiến
– Đào tận gốc rễ chủ nghĩa phát xít
– Lập lên thể chế dân chủ ở nước Đức này
– Phát triển công nghiệp ở các nước đồng minh
Để làm suy yếu nước Đức phát xít, các nước chiếm đóng thực hiện chính sách tháo dỡ các nhà máy sản xuất trang thiết bị với mục đích, không đê phát xít ngóc đầu lên một lần nữa. Mọi chính sách kinh tế của Đức đều bị đồng minh kiểm soát gắt gao.
Trước tình hình mới phải đối đầu với Liên Xô, Mỹ đã thay đổi chính sách với nước Đức: Thay vì tiếp tục tháo dỡ và làm kiệt quệ nước Đức, Mỹ ngừng tay và đổ tiền vào vực kinh tế Tây Âu với mục đích tái thiết châu Âu sau chiến tranh, để châu Âu mạnh lên đủ sức đương đầu với Liên Xô, ngăn chặn sự bành trướng của CNCS sang phía tây.
Kế hoạch này mang tên ngoại trưởng Mỹ hồi đó Georg Marshall. Mỹ cho vay tín dụng và cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu cũng như thực phẩm, được thực hiện từ năm 1948. Các nước Đông Âu cũng được mời nhưng họ không được tham gia vì áp lực của Liên Xô. Trong thời gian từ 1948 – 1952 hơn 12 tỷ đô la đã chảy vào Tây Âu, trong đó đầu tư cho Tây Đức 1,5 tỷ. Điều kiện để tiếp nhận viện trợ này là phải có đồng tiền mới và thực hiện trật tự kinh tế có cạnh tranh.
Ngày 21.6.1948 đồng D-Mark được đưa vào sử dụng ở miền tây nước Đức. Ngay ngày hôm sau, hàng hóa được bầy đầy trên các giá hàng. Thị trường chợ đen đột nhiên biến mất. Việc đưa đồng D- Mark vào Tây Berlin là cái cớ để Liên Xô phong tỏa Tây Berlin gần một năm. Họ nghĩ ép Tây Berlin sẽ ngăn cản được thêm một vùng theo mô hình phương tây. Mỹ và các nước đồng minh lập cầu hàng không tiếp tế cho Tây Berlin. Từ tháng 6/ 1948 đến tháng 5 / 1949 hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa nhu yếu phẩm đã được tiếp tế cho Tây Berlin. Chính chiến dịch đó và kế hoạch Marshall đã xóa mối thù giữa hai nước Đức và Mỹ chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Ngoài sự cố gắng và chịu đựng khủng khiếp của những kẻ bại trận, người ta còn thấy vai trò to lớn của nước Mỹ đối với sự trỗi dậy của Đức sau này. Đó là một cái may thật ngẫu nhiên không ai ngờ tới. Có những lúc người châu Á mình hay tâm niệm: Khốn cùng nhiều rồi cũng phải có lúc gặp may. Liệu có đúng với nước Đức trong trường hợp này không?
Sau khi bản thảo của cuốn sách hoàn thiện, chiều ngày 7.5.2017 phần lịch sử của nước Đức đã được giới thiệu cho những người quan tâm ở Thủ đô Berlin. Chỉ ít hôm nữa cuốn sách sẽ được xuất xưởng, đánh dấu bước đầu tiên rất quan trọng của dự án mà chúng tôi đang thực hiện.
Nhân dịp này, Hội Trống cơm thành phố Berlin lại tổ chức ra mắt sách chính thức tác phẩm và hội thảo lần thứ hai, giới thiệu cơ cấu tổ chức xã hội cũng như chế độ chính trị của nước CHLB Đức vào lúc 15 giờ ngày chủ nhật 23 tháng 7 năm 2017 tại Coswiger Str. 5, 12681 Berlin.
Xin nồng nhiệt đón chào các quý vị quan tâm đến nước CHLB Đức, nơi có hơn 160 000 người Việt và gôc Việt đang sinh sống.
Đề tài kể trên là một trong rất nhiều đề tài được đề cập đến trong cuốn sách dày 420 trang, khổ A5 vừa mới ra đời. Hy vọng nó sẽ được những người quan tâm đón nhận và tham dự thảo luận sôi nổi.
Nguyễn Thế Tuyền (Berlin)