Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Việt Nam 2018: Cơ hội tái thiết lòng tin

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Năm 2017 chứng kiến hàng loạt quan chức cấp cao của Việt Nam bị bắt và truy tố liên quan đến các hành vi tham nhũng hay lợi dụng quyền lực gây thiệt hại cho lợi ích đất nước. Tuy nhiên, đó chỉ là một khởi đầu cho một quá trình chinh phục niềm tin người dân.

Nếu như gần cuối năm 2016, người dân Việt Nam chứng kiến ông Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát điều tra và phải lẫn trốn, thì năm 2017 kết thúc khi rất nhiều quan chức cấp cao mà nổi bật là ông Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Giao thông Vận tải, bị bắt và truy tố. Báo Tuổi Trẻ tóm gọn trong một video gần đây rằng “Năm 2017 có thể coi là năm của kỷ luật với số lượng kỷ lục các cán bộ cấp cao, gồm cả một ủy viên Bộ Chính trị, nhận các hình thức kỷ luật nghiêm khắc, có người bị khởi tố, bắt tạm giam.”

Tấn công vào hàng loạt đại án

Tháng 9-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố vụ án liên quan đến các sai phạm ở tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC). Theo đó, cảnh sát bắt tạm gia bốn bị can về tội cố ý làm trái trong vụ án tại PVN và PVC. Cũng trong tháng đó, cơ quan điều tra quyết định khởi tố, phát lệnh truy nã với ông Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái.

Khoảng năm tháng sau đó, tức tháng 2-2017, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố thêm năm bị can về tội tham ô tài sản. Mãi đến tháng 7-2017, ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam và lên tiếng “đầu thú”, trong khi phía Đức đang có cáo buộc và điều tra về nghi án một nhóm người đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Thủ đô Berlin.

Với mức độ phức tạp của vụ án, Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an đã vào cuộc. Cuối năm 2017, ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt tạm gia sau khi bị cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tháng 12-2017, viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án liên quan ông Đinh La Thăng. Như vậy chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2017, đã có thêm tất cả 11 bị can liên quan vụ án đã bị khởi tố.

Báo chí trong nước đưa tin từ Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, tòa này sẽ đưa ra xét xử vụ án của Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng cùng các đồng phạm tại PVN, PVC vào ngày 8-1-2018. Hội đồng xét xử phiên tòa gồm có 5 người, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa. Ông Trương Việt Toàn – phó chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội cũng tham gia hội đồng xét xử phiên tòa này.

Vài mươi năm tù đến tử hình

Theo thông tin từ báo chí dẫn lại từ các cơ quan chức năng, hai bị can Trịnh Xuân Thanh – nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC và bị can Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng giám đốc PVC – cùng bị truy tố về cả hai tội danh tham ô tài sản và cố ý làm trái. Như vậy, bị can Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tội danh tham ô tài sản với khung hình phạt cao nhất là tử hình và tội cố ý làm trái với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Theo cáo trạng, ông Trịnh Xuân Thanh trong quá trình điều tra đã không thành khẩn, khai báo quanh co, chối tội. Sau khi phạm tội, bị cáo Thanh còn cố ý bỏ trốn nhằm gây khó khăn, cản trở quá trình điều tra nên Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị áp dụng hình phạt nghiêm khắc với Trịnh Xuân Thanh.

Trong khi đó, bị can Đinh La Thăng – nguyên chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, bị can Phùng Đình Thực – nguyên tổng giám đốc PVN; bị can Nguyễn Xuân Sơn – nguyên phó Tổng giám đốc PVN cùng chín bị can khác bị truy tố về tội cố ý làm trái. Trong khi đó, đồng thời cũng có đến tám bị can khác bị truy tố về tội tham ô tài sản. Như vậy ông Đinh La Thăng và những bị can tương tự có khả năng đối diện với mức án phạt cao nhất là 20 năm tù giam.

Thử thách kéo dài

Nhiều ý kiến trái chiều diễn ra suốt những tháng ngày chiến dịch chống tham nhũng diễn ra ở Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng bản chất đây là một vụ “đấu đá chính trị” giữa các phe nhóm nội bộ. Tuy nhiên, cũng không thiếu chuyên gia, các nhà quan sát trong nước lẫn quốc tế nhìn nhận tích cực rằng chiến dịch này bản chất vẫn thiên về chống tham nhũng nhằm củng cố niềm tin từ người dân đối với Đảng và Nhà nước sau thời gian tai tiếng tham nhũng kéo dài.

Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ “hiệu quả của chiến dịch”. Hiệu quả chiến dịch càng cao, thì niềm tin của người dân càng cao, kéo theo đó là sự đồng thuận chính trị trong nước càng lạc quan. Đó chính là thử thách của những nhà lãnh đạo Việt Nam đang phải đối diện. Hiệu quả chiến dịch nằm ở chỗ tấn công “đúng người, đúng tội”, xử lý tài sản tham nhũng hợp lý, tìm cách khắc phục hậu quả của những sai phạm để đảm bảo ổn định trở lại. Nhìn xa hơn, hiệu quả chiến dịch còn nằm ở chỗ phải tái thiết một cơ chế giám sát tham nhũng hợp lý với việc nâng cao vai trò của các tổ chức dân cử hay các đoàn thể mà Việt Nam gọi nôm na là “xã hội dân sự”. Đây là một cơ chế tiến bộ mà Việt Nam đã tiếp cận, nhưng quá trình triển khai còn chưa mang lại hiệu quả. Đó cũng là lý do vì sao chiến dịch chống tham nhũng bị hoài nghi.

Dù thế nào thì Việt Nam kết thúc năm 2016 và 2017 trong hai tâm thế có sự tương đồng – một chút lo lắng khi hàng loạt sự kiện tiêu cực xã hội bị phơi bày, nhưng đồng thời cũng lạc quan hơn khi các vụ bê bôi bị phanh phui, nhiều quan chức “chưa từng nghĩ sẽ bị xử” nay phải ra trước vành móng ngựa. Tâm thế năm 2018 chính là “quyết liệt”, khi chiến dịch chống tham nhũng đang bước vào giai đoạn cam go, để đi đến tận cùng sự thật phía sau các đại án tham nhũng đã âm ĩ trong lòng xã hội suốt hàng thập kỷ qua.

Niềm tin chưa hẳn đã được phục hồi, nhưng cơ hội đến và cần phải nắm bắt!

Văn Hồng

Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 01.2018