TBVĐ- Hiện nay, người Việt ở Đức cũng đang dần theo xu hướng chi tiêu, mua sắm cho bản thân nhiều hơn là cho đại gia đình.
Người Đức đa phần sống theo chủ nghĩa cá nhân, thường chú trọng đến sự thưởng thức và hưởng thụ cuộc sống. Họ chi nhiều tiền cho việc nghỉ ngơi, giải trí, văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe, du lịch và chăm sóc thú cưng. Mức chi phí cho giáo dục văn hóa của con cái rất ít ỏi, có lẽ vì đi học tại Đức vốn đã được miễn phí, lại ít người bắt con đi học thêm dài hạn. Nhưng các gia đình có điều kiện tài chính tốt thường cho con đi học thêm về hội họa, âm nhạc, một môn thể thao nào đó. Nếu còn dư dả nữa thì người Đức thường sẽ đầu tư vào những bảo hiểm nhân thọ tư nhân và bất động sản.
Người Việt nói chung và người Việt tại Đức nói riêng trước đây thường coi họ hàng như một gia đình lớn, chắt chiu, dành dụm mong chia sẻ gánh nặng cho cha mẹ, anh chị em, cô dì chú bác. Nhiều người Việt thường mang tâm lý “tích lũy, để dành phòng khi ốm đau”. Nhưng hiện nay, họ cũng đang dần theo xu hướng chi tiêu, mua sắm cho bản thân nhiều hơn là cho đại gia đình – vì mô hình gia đình người Việt dần không còn tập trung nhiều thế hệ trong một nhà nữa, thế hệ trẻ tự lập và tách ra khỏi đại gia đình sớm hơn so với trước đây.
Dù vậy, khác với người Đức, người Việt vẫn ít chi tiêu cho những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mà đặt trọng tâm vào các sản phẩm công nghệ thông tin, tậu “xế xịn”, mua sắm mỹ phẩm, trang sức, quần áo, phụ kiện, đặc biệt phải là hàng hiệu cao cấp, sau đó là các khoản chi phí học thêm cho con, nhu cầu kết nối vào Internet mọi lúc, mọi nơi.
Tú Anh