Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Gặp “anh biết tuốt” hết lòng vì người Việt

Nhật Anh và những người bạn cùng Tham Tán Công Sứ Thương Mại Nguyễn Hữu Tráng (từ trái sang: Anh Hiển Tô - GĐ. Kinh Doanh On-Way GmbH, Tham tán Nguyễn Hữu Tráng, Anh Hữu Hưng Nguyễn - GĐ. M3DIA Internetagentur, Anh Sơn Thu Nguyễn - Chủ Tịch Hội VDB, Nhật Anh và Luật Sư Tuấn Anh Delarber. Ảnh nhân vật cung cấp

“Chúng ta đang sống ở nước Đức, chúng ta cần hiểu biết những quyền lợi và trách nhiệm cơ bản nhất với quốc gia mà ta đang sống. Có như vậy mới là hòa nhập”.

Đó là chia sẻ của anh Phan Nguyễn Nhật Anh trong chuyên mục “Nhân vật trong tháng” kỳ này của Thời báo Việt Đức. Chúng tôi gọi anh Nhật Anh với biệt danh hóm hỉnh là “anh biết tuốt”, người thực hiện các dự án phi lợi nhuận nhằm kết nối, giúp đỡ bằng cách tư vấn miễn phí cho kiều bào Việt Nam tại Đức các thông tin về đời sống xã hội và pháp luật, giúp họ tự tin và đủ khả năng hòa nhập cộng đồng.

Tự nguyện “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” 

Nhật Anh và những người bạn cùng Tham Tán Công Sứ Thương Mại Nguyễn Hữu Tráng (từ trái sang: Anh Hiển Tô – GĐ. Kinh Doanh On-Way GmbH, Tham tán Nguyễn Hữu Tráng, Anh Hữu Hưng Nguyễn – GĐ. M3DIA Internetagentur, Anh Sơn Thu Nguyễn – Chủ Tịch Hội VDB, Nhật Anh và Luật Sư Tuấn Anh Delarber. Ảnh nhân vật cung cấp

+ Phóng viên: Xin anh chia sẻ mục đích anh tham gia vào hoạt động tư vấn các vấn đề luật pháp, đời sống xã hội cho người Việt?

. Anh Nhật Anh: Mục đích của tôi đơn giản vì tôi nghĩ rằng khi chia sẻ những điều mình biết với mọi người, thì mọi người cũng sẽ chia sẻ lại những gì họ biết cho mình. Tôi luôn tâm niệm rằng mình biết một, nhưng cứ giữ khư khư điều đó cho riêng mình, không chia sẻ với ai, thì cuối cùng mình cũng chỉ có một. Và hầu như mọi người ai cũng có „một“ đó. Nếu có người sẵn lòng chia sẻ, thì người khác cũng chia sẻ cái riêng của họ. Để cuối cùng mỗi người sẽ biết được hai và nhiều hơn.

+ Để thực hiện được điều tâm niệm của mình, cơ duyên nào hay nguồn cảm hứng nào đã đưa anh đến với công việc “tư vấn viên miễn phí của mọi nhà”?

. Nguồn cảm hứng của tôi là những câu chuyện tôi từng chứng kiến. Người thân và một số người quen của tôi đã bị nhiều người làm dịch vụ “chặt chém” gây tốn kém tiền của và tâm sức nhưng sự việc chẳng đi đến đâu. Thậm chí những gì phía dịch vụ biết còn ít hơn những gì tôi nắm. Máu “bốc đồng” nổi lên, thế là viết ngay một dòng trạng thái (status) „quyết định chia sẻ kinh nghiệm với mọi người“ ở trong một nhóm trên mạng xã hội. Và kể từ đó tôi bước chân vào con đường “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Giải đáp từ thắc mắc nhỏ đến chuyện ra tòa

+ Hiện các group mở ra với vai trò tư vấn, giúp đỡ người Việt tại Đức không phải hiếm nếu không muốn nói rất nhiều. Được biết anh là người sáng lập và quản trị diễn đàn “Viet für Viet” trên mạng xã hội, một dự án phi lợi nhuận với hơn 4000 thành viên. Ngoài ra anh còn là đồng quản trị viên diễn đàn “Hỏi đáp-Thắc mắc-Trả lời-CHLBD”.  Đâu là điểm nổi bật trong hoạt động tư vấn của anh và cộng sự nói chung?

. Thực chất việc tạo nên một nhóm trên Facebook không nhằm đến việc “tư vấn nhóm”, mà là vì lúc đó không biết lưu vào đâu những phần câu hỏi và câu trả lời của mọi người, để khi mọi người cần thì sẽ tìm được ngay. Chứ nếu để mọi người tự vào tường của Facebook của tôi mà “mò thông tin” thì không biết lúc nào mới ra. Với lại, các câu hỏi cũng vô vàn kiểu, rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Sau đó tôi nhận thấy trong các nhóm trên Facebook có phần „Dateien“, và là nơi có thể lưu các thông tin như ý mình muốn. Tôi cố gắng soạn lại những câu hay gọi là „thông tin cần thiết nhất“ để viết lại và đưa lên phần „Dateien“, như một cổng thông tin để mọi người tiện tra cứu khi cần.

Về con số hơn 4000 thành viên thì tôi thấy không đáng gì bằng việc mọi người luôn tin tưởng nhắc đến tôi mỗi khi có ai có điều gì đó không thông. Số trường hợp mà tôi hỗ trợ lớn hơn và có ý nghĩa hơn con số hơn 4000 thành viên kia.

“Thành công lớn nhất của tôi chính là có một gia đình hạnh phúc, được rất nhiều người trong cộng đồng biết và yêu mến, đi đâu cũng được mọi người vui vẻ nhận ra và chào thân thiện” Ảnh nhân vật cung cấp

+ Dự án đã giúp được những trường hợp cụ thể nào mang lại cho anh những ấn tượng mạnh hay những kỷ niệm đáng nhớ nhất?

. Lúc đầu mới mở dự án, tôi còn nhiều thời gian nên thông báo với mọi người là “sẵn sàng làm phiên dịch qua điện thoại, khi mọi người cần thiết”. Tôi nhớ hoài, cuộc gọi đầu tiên nhờ tôi phiên dịch là một bạn nữ, khi bạn ấy đi khám bác sĩ phụ khoa. Cách đây vài tháng thì có mấy em đang học nghề đầu bếp tại một khách sạn. Các em bị chủ chèn ép, không trả lương, và hù dọa đủ điều. Các em không thể chuyển chỗ khác vì chủ gây khó khăn, áp lực sẽ báo sở ngoại kiều đuổi về. Thế là các em liên lạc với tôi. Tôi đã tư vấn cho các em hiểu về những quyền lợi mà các em có, cũng như hướng dẫn từng bước để giải quyết vụ việc. Và cuối cùng các em đã thành công trước tòa khi phía chủ phải trả đủ các khoản lương thưởng và đồng ý cho các em ngừng hợp đồng lao động để các em tiếp tục học nghề ở chỗ khác. Nhìn chung có rất nhiều trường hợp rất ấn tượng nhưng tôi không thể nhớ hết. Từ những cái rất đơn giản, chỉ cần dịch một vài câu từ tiếng Đức sang tiếng Việt thôi, là mọi người đã thông và làm được hết việc.

+ Quản lý một dự án có đông đảo thành viên nhưng phi lợi nhuận, lại qua một diễn đàn “ảo” khi anh cũng phải có công việc riêng của mình có làm anh khó khăn?

. Tôi không gặp khó khăn nào cả. Vì là dự án phi lợi nhuận nên khi mọi người đặt câu hỏi, chúng tôi không bắt buộc phải trả lời ngay tức thì như dịch vụ tư vấn lấy phí. Mọi người cũng hiểu là tôi cũng như các bạn khác cũng có công việc phải làm, phải kiếm tiền và lo cho gia đình con cái. Nên chúng tôi chỉ có thể trả lời những câu hỏi của các bạn khi có thời gian vào đọc tin nhắn. Ai cũng hiểu điều này, và đều vui vẻ chờ đợi. Nói thật là tôi “được” nhiều hơn mất khi quyết định làm công việc „vác tù và“ này.

Làm thật chứ không phải “làm lấy tiếng”

+ Trong tương lai anh có dự tính hay kỳ vọng gì về dự án của mình?

. Chúng ta đang sống ở nước Đức, chúng ta cần hiểu biết những quyền lợi và trách nhiệm cơ bản nhất với quốc gia mà ta đang sống. Có như vậy mới là hòa nhập. Đó là tầm nhìn xuyên suốt của tôi cũng như các bạn khác. Tôi mong cộng đồng người Việt mình ngày càng hòa nhập hơn. Hiểu và biết được quyền lợi và trách nhiệm của mình. Ngày nào còn sức, đầu óc còn đủ minh mẫn, thì ngày đó mình vấn tiếp tục công việc này. Tôi nghĩ sống là phải biết chia sẻ, chứ không nên chỉ ngồi đó mà hưởng thụ.

+ Liệu các dự án anh đang theo đuổi có mang lại cho anh cảm hứng để start-up một dự án theo mô tuýp doanh nghiệp xã hội – xu hướng mà rất nhiều người trẻ đã và đang thực hiện tại Việt Nam và tất nhiên là ngay tại Đức?

. Có chứ. Tôi đang định triển khai dự án có thể khả thi thời gian tới. Đó là giúp cho mọi người hiểu những điều căn bản nhất về việc khai báo thu chi „khai thuế“ cho công việc kinh doanh. Những thứ căn bản đó hầu như 10 người Đức làm kinh doanh, thì 9 người biết. Còn với người cộng đồng Việt thì, thì con số đó ngược lại. Rất đáng báo động. Mọi người là chủ, cần nắm những điều đó, chứ không phải phó thác hết mọi chuyện cho Tư vấn thuế, vì có bị gì, thì người chủ vẫn là người chịu hết. Dự án của tôi sẽ giúp người Việt vừa giảm chi phí, vừa nắm thông tin. Xa xôi hơn là một Hội Doanh Nghiệp đúng nghĩa để hỗ trợ các thành viên, cũng như các thành viên tự hỗ trợ nhau. Làm thật chứ không phải “để có tiếng”. Giờ vẫn còn kẹt nhiều thứ lắm, nên vẫn chưa thực hiện được, nên tạm thời “giấc mơ chỉ là giấc mơ”.

Anh Phan Nguyễn Nhật Anh, 34 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại TP Nürnberg. Anh là thành viên của văn phòng Luật Sư Tuấn Anh Delarber, đồng thời là thành viên của Hội Nhịp Cầu Việt Đức. Tới đây anh sẽ đảm nhận vị trí Giám Đốc của Công ty Mai Nails & Cosmetics GmbH, với mục tiêu kết nối với những chủ kinh doanh nghành Nails và Kosmetik để thành một khối, hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra anh dự định cùng văn phòng Luật sư Tuấn Anh Delarber mở các buổi hội thảo về luật và thuế, thành lập Văn phòng Luật và Tư vấn thuế cho người Việt. Song song đó, anh cho biết sẽ tiếp tục phát triển hình thức „cùng nhau hỏi, cùng nhau trả lời, cùng nhau chia sẻ“: Mở rộng các hình thức Nhóm tại một số thành phố của Đức, tiếp tục tư vấn miễn phí trực tiếp cho mọi người, hoặc qua kênh Facebook, điện thoại.

VĂN HỒNG

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!