Một năm trôi qua kể từ ngày đặt chân xuống sân bay Frankfurt bắt đầu một hành trình mới. Một năm qua, quả thật cảm ơn nước Đức vì dạy cho mình quá nhiều điều, và cũng làm cho bụng dạ mình sôi sục nhiều trăn trở (trong vai trò một người thầy, cũng là một người làm báo).
Hồi học ở Việt Nam, quả thật Quan hệ Quốc tế (IR) là một khoa tiến bộ, ít nhất rõ ràng nhất là về mặt tư tưởng. Chương trình đào tạo cũng khá cập nhật và cởi mở. Đó là lý do IR từ khi ra đời (2003) đến nay luôn là một trong 3 khoa hot nhất của trường ĐH KHXH&NV TP.HCM dù tuổi đời trẻ và nguồn nhân lực cơ hữu hạn chế.
So với bạn bè cùng trường, thậm chí khác trường, mình may mắn hơn khi học ở IR. Dù vậy, ngay cả khi được học ở một môi trường “đạt chuẩn Đông Nam Á” (AUN QA), thì khi so sánh (một cách tương đối) thì vẫn bộc lộ nhiều hạn chế (mà cũng là sự đau đáu của mình, khi bản thân cũng là người đứng lớp).
Rất nhiều sinh viên Việt Nam giỏi kiến thức (đúng hơn là giỏi thông tin), nhưng lại không giỏi phương pháp. Điều này bộc lộ rõ ràng khi chúng ta đứng thuyết trình (trình bày) thì điểm rất cao, nhưng khi viết paper/assignment thì “thảm họa”; Chúng ta có nhiều ý tưởng, nhưng khi trình bày thì tính hấp dẫn giảm đi.
Chúng ta sai từ những cái rất căn bản (so với sinh viên quốc tế) khi viết: trích dẫn sai bét nhè và vô kỷ luật; không hiểu căn bản các phương pháp nghiên cứu (ví dụ định tính, định lượng); thậm chí không viết nỗi một phần tóm tắt (abstract) hay Giới thiệu (introduction) của một bài nghiên cứu. Đau đớn hơn là viết một cái Đề xuất nghiên cứu (research proposal) đàng hoàng cũng không xong.
Chúng ta không có thói quen đọc nhiều, nên khi “học thật” chúng ta sốc khi lượng thông tin cần phải đọc quá nhiều và chúng ta chỉ có 10-15 phút, thậm chí có lúc chỉ 5 phút để trình bày lại. Ngay cả khi đọc, sinh viên chúng ta hay chú ý đến nội dung tác giả viết cái gì, trong khi cái quan trọng không kém chính là “tác giả làm thế nào viết được bài đó hay cho ra kết quả nghiên cứu đó (method) thì chúng ta không quan tâm.
Cách làm việc nhóm của chúng ta chưa hiệu quả. Quan sát sẽ thấy, sinh viên Việt rất chủ động và làm việc có trách nhiệm. Nhưng cách “trị” những bạn sinh viên nước khác vô trách nhiệm thì chưa giỏi, thường thì chúng ta chấp nhận “ôm luôn việc” (như ở Việt Nam), hoặc “bỏ của chạy lấy người” (xin qua nhóm khác), hoặc “méc giáo sư”. Việc ôm luôn việc làm mình khổ, việc méc giáo sư thì giáo sư không quan tâm vì “các em lớn hết rồi”, nên thường tìm cách xin qua nhóm khác (ở lần sau).
Giáo dục Việt Nam hô hào cải cách biết bao năm qua, nhưng thật sự vẫn ì ạch. Trong lúc chờ cấp Bộ loay hoay, thì mình nghĩ bản thân các trường có thể khắc phục được một số hạn chế.
(i) Chấn chỉnh việc dạy môn phương pháp nghiên cứu khoa học. Chả phải các em sinh viên Việt Nam không mê hay không giỏi khoa học, bởi hễ cứ ra nước ngoài là không thiếu những cái tên Việt Nam khiến thế giới ngưỡng mộ. Mà căn bản là chúng ta dạy môn phương pháp nghiên cứu chưa “tử tế”. Sự tử tế này sẽ có được khi giáo viên cầu thị, cởi mở và chịu khó trau dồi (học từ giảng viên nước ngoài, tự học qua mạng,…). Bản thân mình từng nghĩ mình không mê nghiên cứu, nhưng học xong một môn bên này, mình thay đổi hẳn, chịu khó hẳn. Ngồi học mà đôi khi tặc lưỡi tiếc “sao sinh viên nhà mình không được học như thế này?” rồi ghi chú phía sau xấp giấy lại phương pháp hay từ giảng viên bên này, chỉ mong có ngày dạy lại cho các em khác.
(ii) Không vì thiếu giảng viên mà phân công “bừa bãi” giảng viên đứng lớp (trái tay). Trước đây, IR từng đưa ra một định hướng mà khi sang Đức học, mình thấy nó thật sự hiệu quả, tiếc là IR chưa làm đến nơi đến chốn. Đó là “sinh viên hỗ trợ nghiên cứu giảng viên”, tức là các công trình, các paper lớn nhỏ đề nhằm phục vụ một mục đích cụ thể/một dự án cụ thể. Giáo viên nghiên cứu chuyên về báo chí chính trị sẽ biết những xu thế nghiên cứu hiện nay trong lĩnh vực của mình, thì khi đứng lớp họ cũng chủ động đề xuất những đề tài có ý nghĩa thực tiễn cho sinh viên cùng làm. Có thể chỉ là phần Literature thôi, nhưng nó nằm trong một bức tranh lớn hơn của một công trình lớn hơn.
(iii) Cần tăng cường nghiên cứu thực nghiệm. Thật đáng tiếc, khi viết paper về Việt Nam (cụ thể về báo chí-truyền thông), phần literature, không tìm thấy được đáng kể các công trình nghiên cứu được công bố. Có những đề tài rất rất cũ, ví dụ nghiên cứu về Facebook, được các nước nghiên cứu “nát”, thì không thấy ở Việt Nam có công trình nào đáng chú ý. Chúng ta vẫn mời các “chuyên gia”, các “nhà tâm lý”,… để đưa ra các giải pháp chống bạo lực trên FB, chống ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội,… nhưng chủ yếu là “nói cho đã miệng”, còn không có một cơ sở khoa học (định tính lẫn định lượng) nào để “chống lưng”. Chúng ta nói nhiều về giáo dục ý thức, hành vi người dân trong việc giảm thiểu tác hại biến đổi khí hậu, nhưng chẳng có công trình nào đánh giá được thực trạng, các yếu tố tác động,…
Muốn làm như vậy, thì bản thân giảng viên phải ý thức và quyết tâm. Hơi buồn là song song với những giáo viên ngày càng trẻ, năng động, đa tài, thì họ cũng bị phân tâm quá nhiều vì những thứ hào nhoáng với bề ngoài vô cùng hấp dẫn. Chỗ mình học, các trợ giảng trình độ ThS thôi nhưng quả thật mình rất nể, bởi họ mê mẩn nghiên cứu và xem đó là nhiệm vụ trước tiên để được xứng đáng đứng trước lớp. Từng đi dạy ở Việt Nam, mình phải thừa nhận rằng giảng viên trẻ ở nhà mình kém hơn đã đành, lại không nhiều người cầu thị, hậu quả thì sinh viên lãnh đủ.
Vài dòng sẻ chia, vừa mong rằng có ích cho anh em đồng nghiệp và sinh viên, vừa là nhắc nhở bản thân trách nhiệm.
Nguồn: Facebook Đỗ Thiện