Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Sự lên ngôi trở lại của Áo dài tại Đức

Một buổi trình diễn áo dài ở Leipzig. Ảnh: Hà Nguyên

TBVĐ- Áo dài tuy đẹp và quyến rũ như vậy nhưng cái khó của nó là phải phù hợp với hoàn cảnh, môi trường sống xung quanh.

Nói đến áo dài người Việt Nam ai cũng biết nhưng nhiều năm về trước việc sở hữu một chiếc áo dài không phải là chị em nào cũng nghĩ đến, dù rằng mặc tấm áo dài vào trông người phụ nữ nào cũng duyên dáng xinh tươi hẳn và khi mặc nó tự nhiên thái độ cũng nhẹ nhàng duyên dáng, lịch sự hơn khi mặc bộ đồ thường.

Chiều dài lịch sử chiếc áo dài

Nhìn lại lịch sử, sự xuất hiện của Áo dài bắt đầu từ những năm 1739-1765 và được công nhận là quốc phục dưới triều chúa Nguyễn Vũ Vương do vị Chúa này muốn người đàng trong ăn mặc cho khác người đàng ngoài với tham vọng thành lập quốc gia riêng nên quốc phục cũng phải khác.

Một mẫu áo dài trong bộ sưu tập. Ảnh: Chí Hiếu

Còn theo sử gia Đào Duy Anh thì Áo dài có từ thời xa xưa và được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ với hai tà áo xẻ. Qua thời gian biến thiên Áo dài cũng thay đổi theo cho đến năm 1947 ở miền nam người ta vận động người dân thay đổi cách ăn mặc, đặc biệt là phụ nữ cho phù hợp với đời sống hiện đại và tiết kiệm kinh tế cho người dân khi cái ăn cái mặc còn rất khó khăn.

Ở miền bắc trước Cách mạng Tháng tám, các nữ sinh thướt tha đến trường với tà áo dài tung bay trước gió. Sau cách mạng tháng tám chiến tranh loạn lạc và đời sống khó khăn, áo dài dần bị lãng quên thay cho những trang phục tiện lợi hơn trong đời sống.

Đến  thời bà đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân ở miền nam thì áo dài lại được cách tân thành áo dài tân thời không có cổ như truyền thống và còn được khoét rộng hơn so với cổ thuyền. Nó không chỉ đẹp mà còn phù hợp với thời tiết nắng nóng ở miền nam. Tuy nhiên áo dài truyền thống với cổ cao ba phân vẫn được lưu giữ đến tận giờ cùng với các loại áo dài mới ngắn dài cách tân khác nhau.

Những năm 80 trở lại đây áo dài còn được các họa sĩ như Sĩ Hoàng hay nhà thiết kế Minh Hạnh, Lan Hương mang nó ra khỏi biên giới Việt tới Nhật, Anh, Mỹ và nhiều nước khác. Giới thiệu với thế giới những bộ sưu tập áo dài vừa hiện đại vừa truyền thống và luôn nhận được vị trí cao trong tuần lễ thời trang Việt hoặc các lễ hội lớn.

Một mẫu trong bộ sưu tập áo dài Vân Nhung. Ảnh: Chí Hiếu

Áo dài Việt ở nước Đức

Tại Đức, Áo dài nhiều năm nay bắt đầu được lên ngôi và ngày càng nở rộ.
Hầu hết chị em thậm chí cả các bé gái cũng được mẹ may cho một vài bộ để cùng mẹ diện vào dịp tết hoặc đi dự lễ hội, đi chùa hay các đám cưới, sinh nhật và các ngày lễ khác. Nhìn người phụ nữ mặc chiếc áo dài duyên dáng, khoe được vòng eo thon quyến rũ, dịu dàng không thể không tự hào về chiếc áo và là trang phục được coi là quốc phục của người phụ nữ Việt Nam.

Tháng 9 năm nay ở thành phố Leipzig, cuộc thi áo dài châu Âu cho phụ nữ Việt tuổi từ 40 đến 65 cũng cho thấy nét đẹp đặc biệt của tà áo dài tha thướt cao sang và quyến rũ qua những người  mẹ, người bà hàng ngày vốn lam lũ với công việc mưu sinh và giờ trở nên xinh tươi duyên dáng trong tà Áo dài đủ mọi sắc màu.

Cuộc thi không chỉ là một sân chơi, mà đó còn tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ Việt qua tà áo dài quyến rũ như vóc dáng mảnh mai mà dẻo dai, đảm đang và chịu đựng của người phụ nữ Việt hết lòng với gia đình.

Sự đa dạng và lên ngôi của áo dài trở lại trong đời sống

Câu hỏi phổ biến nhất vào những năm về trước ở Đức là Áo dài may rồi mặc đi đâu? Nhiều năm lại đây các hội đoàn rồi phong trào sinh hoạt rất sôi động và rất nhiều. Thành phố nào cũng có hội đoàn và rồi từ việc hội hè vui chơi nhiều chị em mặc áo dài hoặc có nhiều hội đề nghị phụ nữ khi tham dự nên mặc áo dài. Diện áo dài trở nên phổ biến vì vừa thanh lịch, vừa xinh đẹp nên giới chị em phụ nữ cũng không còn ngại ngùng hay thấy mình lẻ loi trước đám đông.

Một mẫu áo dài trong bộ sưu tập. Ảnh: Chí Hiếu

Ngày nay áo được thiết kế theo nhiều mẫu. Ngắn có, dài có, truyền thống có và tân thời có. Sự đa dạng của áo dài làm tôn thêm vẻ đẹp của chị em vì mỗi người một kiểu cách, một vóc dáng có thể lựa chọn cho phù hợp.

Áo dài ngày nay ở nước Đức không còn xa lạ với người dân bản xứ và mỗi lần nhìn thấy chị em diện đi xem hoà nhạc hay đám cưới, người dân Đức không khỏi trầm trồ khen ngợi.

Thiên Nga