Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn chết người do xe tự lái của Uber gây ra, trong khi chiếc xe do hãng Volvo sản xuất?
Ít ngày trở lại đây, trên tất cả các mặt báo lớn trên thế giới xuất hiện tin tức gây chấn động giới công nghệ: Một chiếc xe tự lái thử nghiệm của Uber đã gây ra tai nạn chết người.
Nạn nhân là bà Elaine Herzberg, 49 tuổi. Khi va chạm, chiếc xe tự lái đi với tốc độ 65 km/h.
Chiếc xe gây tai nạn là một phần của chương trình thử nghiệm xe tự lái của hãng công nghệ vận tải Uber, được thí điểm ở các bang Arizona, Pittburgh và Toronto của Mỹ.
Không chỉ riêng Uber mà nhiều hãng công nghệ khác cũng đang tích cực thử nghiệm công nghệ tự lái – một ngành mà nếu thành công sẽ có giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Quay trở lại với vụ tai nạn của Uber, câu hỏi đặt ra hiện tại là bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp vụ tai nạn liên quan đến một chiếc xe tự lái, phần mềm phát triển bởi Uber, trong khi xe của hãng Volvo.
Nếu như trong trường hợp thông thường, câu trả lời rất đơn giản: Tài xế là người chịu trách nhiệm. Nhưng ở đây lại là một phương tiện tự lái nên việc đi tìm người có trách nhiệm cho vụ việc cũng trở nên khó khăn hơn.
Hiện tại, Uber đã đình chỉ toàn bộ chương trình thử nghiệm đối với xe tự lái, trong khi chính quyền Mỹ đang thu thập thêm các dữ liệu liên quan đến vụ tan nạn, trong đó chiếc xe di chuyển với chế độ tự động với bộ phận điều khiển phía sau tay lái.
Đối với các phương tiện tự động một phần, mà vẫn có sự kiểm soát của con người thì trách nhiệm trước pháp lý trong trường hợp gây ra tai nạn còn phụ thuộc vào việc hành động gây tai nạn là bởi quyết định của lái xe, hay của phương tiện.
Còn đối với phương tiện tự động hoàn toàn, trách nhiệm pháp lý có thể được quy cho một hoặc một vài bên liên quan, trong đó có nhà sản xuất phương tiện, trung tâm dịch vụ hoặc chủ phương tiện.
Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra lỗi thiết kế, trong khi nhà cung cấp phần mềm phải chịu trách nhiệm đối với lỗi hệ thống phần mềm, và tương tự trung tâm dịch vụ phải có nghĩa vụ nếu không cung cấp đầy đủ dịch vụ cho xe.
Về lý thuyết là như vậy, nhưng tình huống thực tế có nhiều điểm khiến các nhà điều tra đau đầu khi đưa ra quyết định. Theo Reuters, nạn nhân của vụ tai nạn đã không đi trên vạch qua đường cho người đi bộ, và bà cũng xuất hiện từ một góc khuất khó quan sát và tương đối tối, nên kể cả lái xe bình thường cũng có mà xử lý kịp. Do đó, Uber có thể không có lỗi nhưng gia đình nạn nhân vẫn có khả năng kiện hãng này.
Trong khi đó, chiếc xe gây ra tai nạn là sản phẩm của hãng Volvo nhưng phần mềm điều hành xe không phải của hãng tạo ra.
Hiện tại, phòng tư pháp của quận Maricopa của bang Arizona (nơi xảy ra tai nạn) đang điều tra và tìm ra ai là người có lỗi trong vụ việc. Trách nhiệm quy về những bên nào chưa được làm rõ. Quyết định sẽ phụ thuộc vào dữ liệu trong quá trình điều tra cùng với quyết định của các cơ quan chức năng liên quan.
Sau vụ việc lần này này, nỗ lực của các hãng vận tải công nghệ như Uber càng gặp nhiều trở ngại hơn, đồng thời nó cũng làm dấy lên câu hỏi về độ an toàn của những chiếc xe tự lái.
Hồi năm 2016, xe tự lái của Tesla cũng từng gây tai nạn chết người khiến hãng này sau đó yêu cầu phải có thêm sự giám sát của con người khi vận hành phương tiện. Sau đó, cơ quan chức năng xác định lỗi không thuộc về Tesla.
Theo Danh Tuyên / nguoiduatin.vn