Ở khía cạnh tích cực, mỗi năm, ngành du lịch mang lại cho nền kinh tế Hà Lan khoảng 82 tỷ EUR (91,5 tỷ USD), nhưng mặt tiêu cực là lượng du khách quá tải đang phá hủy linh hồn của thành phố này. Giống như Venice và các điểm đến khác trên khắp châu Âu, Amsterdam phải gồng mình tiếp đón “dòng chảy” ồ ạt của du khách trong thời kỳ bùng nổ du lịch hàng không giá rẻ. Dự báo số lượng du khách đến Amsterdam tiếp tục tăng, từ 18 triệu vào năm 2018 lên 42 triệu vào năm 2030, gấp hơn 50 lần dân số thủ đô Hà Lan hiện tại.
Vì vậy, các quan chức du lịch Hà Lan đã đưa ra quyết định táo bạo là ngừng quảng cáo Amsterdam như một điểm đến du lịch. Báo cáo của Chính phủ Hà Lan công bố đầu năm 2019 tuyên bố trọng tâm bây giờ sẽ là quản lý điểm đến thay vì quảng bá điểm đến. Tài liệu cũng phác thảo chiến lược tương lai của đất nước, thừa nhận cuộc sống của Amsterdam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do “quá tải du khách” nếu không có hành động khẩn cấp. Các giải pháp gồm ngăn bớt các nhóm khách gây phiền toái bằng cách hạn chế hoặc ngừng các dịch vụ giải trí và lưu trú nhắm vào họ, cũng như khuyến khích khách đến các vùng khác của Hà Lan.
Du lịch đại chúng cũng đã tác động đến một trong những biểu tượng nổi tiếng khác của Amsterdam: hoa tulip. Lượng du khách quá đông giẫm đạp lên các vườn hoa tulip khiến sản lượng hoa giảm và Hà Lan phải nhập khẩu thêm hoa từ nước ngoài. Những người trồng hoa đã phải đặt bảng cảnh báo du khách không giẫm đạp lên hoa. Các biện pháp cũng đã được thực hiện để ngăn du khách đến thăm một số điểm du lịch có tiếng khác của Amsterdam.
Theo Gia Bảo / sggp.org.vn