Sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu năm 2018, các quốc gia ở khu vực ASEAN đã trở thành điểm đến mới cho rác thải từ các quốc gia phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Giọt nước tràn ly, các quốc gia như Malaysia và Philippines đã và đang chuyển trả những container chứa phế thải và rác không thể tái chế về cho Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Canada. Người dân Indonesia biểu tình trước Lãnh sự quán Úc đòi Úc mang rác thải về nước.
Làm dữ mới ăn thua?
Bài bình luận trên Đài CTVnews.ca viết: Hơn 5 năm đối thoại của Philippines với Canada về vấn đề rác phế thải chẳng đi đến đâu và bước ngoặt chỉ đến từ việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phải mượn đến ngôn ngữ “chợ búa” để lên án Canada khiến báo chí hết sức chú ý. “Hãy ăn rác của mấy người, nếu muốn” và “Số rác còn lại cứ đem đổ thẳng ở Đại sứ quán Canada”…
Ngày 22-5, ông Duterte yêu cầu thuê công ty vận tải chở các container rác đổ xuống vùng biển của Canada. Vài giờ sau đe dọa này, đại diện các bộ hàng đầu là Môi trường và Ngoại giao Canada công bố sẽ chịu trách nhiệm đưa toàn bộ số rác trở về nước xử lý, giải quyết rốt ráo một lần.
Tuy nhiên, hành động muộn màng của Canada không xóa được ấn tượng là chính quyền nước này đã không thật tâm muốn giải quyết vấn đề. Cùng một sự việc, Canada đã dùng dằng gần 6 năm trong khi Hàn Quốc, đất nước cũng có 1.200 tấn rác bị “gửi nhầm” đến Philippines, đã khắc phục hậu quả chỉ trong vài tháng.
Đóng góp vào hiệu quả này là vai trò của một chiến dịch biểu tình rầm rộ với các biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Hàn trên mạng xã hội và trên đường phố đã được người dân Philippines hưởng ứng nhằm gây áp lực với chính quyền Ottawa.
Ngoài Philippines, nhiều nước Đông Nam Á cũng không muốn nhận xử lý rác của các nước phát triển nữa. Mềm dẻo nhưng cương quyết, Malaysia cũng bắt đầu trả những loại rác không xử lý được trở về nơi sản xuất. Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng, công nghệ, khoa học, biến đổi khí hậu và môi trường của Malaysia Yeo Bee Yin xác nhận một số container rác đầu tiên sẽ được chuyển về Tây Ban Nha và một số nước phát triển khác.
Theo Hãng tin Reuters, hàng chục nhà máy tái chế rác đã bị đóng cửa ở Malaysia, đa số đều là hoạt động lậu không giấy phép bị người dân than phiền vì gây ô nhiễm môi trường.
Dân Indonesia cũng đang ngao ngán với rác thải nhập từ Úc. Tháng 4-2019, những nhà môi trường đã biểu tình trước Lãnh sự quán Úc ở Surabaya, Đông Java với các biểu ngữ: “Indonesia không phải là thùng rác của nước Úc” hay “Hãy đem của nợ của các người khỏi Indonesia”. Năm 2018, nhập khẩu rác vào Đông Java từ Úc đã tăng 250% so với năm 2014.
Sửa đổi Công ước Basel
Những nước xuất khẩu rác hàng đầu lần lượt là Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản. Đông Nam Á và một số khu vực đang phát triển khác trở thành điểm đến cho phế liệu trong giai đoạn từ giữa năm 2017 đến giữa 2018 gồm có Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.
Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới phế thải nguy hiểm và tiêu hủy nhằm giảm khối lượng, độ độc hại của chất thải, khuyến khích loại bỏ chất thải càng gần nơi xuất xứ càng tốt và quản lý tốt chất thải để bảo vệ môi trường. Việt Nam tham gia Công ước Basel năm 1995.
Vào giữa tháng 5-2019, 187 quốc gia đã đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi Công ước Basel, theo đó kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và tiêu hủy đối với rác thải nhựa theo hướng minh bạch hơn, được quy định rõ ràng và đảm bảo việc quản lý rác thải an toàn cho sức khỏe con người và môi trường.
Việc sửa đổi công ước sẽ tiếp tục hạn chế dòng phế liệu nhựa đến các nước đang phát triển. Một trong những hướng sửa đổi Công ước Basel được thảo luận là những nước không phải là thành viên của Basel sẽ không được xuất khẩu phế liệu đến những nước là thành viên. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không được xuất khẩu phế liệu sang các nước châu Á, trừ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo CNN, trong những năm qua, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ đã có các quy định chặt chẽ hơn trong việc nhập khẩu phế liệu. Hành động này khiến các container rác phải nằm chờ tại các hải cảng ở Mỹ để chở đi tới điểm đến thích hợp.
Theo Hồng Vân / tuoitre.vn