Tổng thống Ba Lan cảnh báo rằng EU sẽ nhanh chóng sụp đổ bởi kịch bản “châu Âu đa tốc độ”.
Tờ Financial Times dẫn lời tổng thống Ba Lan – Andrzej Duda cảnh báo rằng, một kịch bản “châu Âu đa tốc độ” sẽ nhanh chóng tạo hiệu ứng mong muốn rời khỏi khối của các nước thành viên “hạng 2” và làm sụp đổ Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ khi Anh quyết định rời khỏi EU, các nhà lãnh đạo châu Âu đã và đang tìm kiếm cách giải quyết các căng thẳng chính trị nội tại trong khối và tạo ra động lực mới cho EU. Một mô hình EU “đa tốc độ” đã được đưa ra như là một giải pháp.
Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một số kịch bản cho tương lai của EU, trong đó có kịch bản một số nước trong liên minh sẽ làm “đầu tàu” kéo các nước còn lại.
Khái niệm này được một số thành viên khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) như Pháp và Đức lên tiếng ủng hộ nhưng lại bị các nước đông Âu vốn kém phát triển hơn cảm thấy lo lắng.
Ông Duda cho rằng ý tưởng này sẽ làm suy yếu tư tưởng cốt lõi của Liên minh châu Âu là “coi trọng các thành viên của liên minh như nhau” và cuối cùng dẫn đến sự “sụp đổ” của liên minh.
Tổng thống Ba Lan còn cho rằng việc tạo ra một “châu Âu đa tốc độ” đồng nghĩa với việc các thành viên của khối eurozone vốn phát triển hơn đẩy nước ông cũng như những nước còn lại trở thành “thành viên hạng 2” và điều này thì không thể chấp nhận được.
“Đây sẽ là sự khởi đầu của sự kết thúc của EU, và sẽ gây hiệu ứng Brexit nhiều hơn và làm sụp đổ EU”, ông Duda tuyên bố tại một hội nghị kinh tế ở miền Nam Ba Lan.
Ngoài chuyện này thì hiện nay EU cho thấy nội bộ đang có những bất ổn khiến liên minh này đứng trước bờ vực tan rã. Đó chính là việc Mỹ và đồng minh chủ chốt trong NATO ở châu Âu tiếp tục bất đồng, nghi kỵ lẫn nhau.
Giới phân tích cho rằng Mỹ và các nước đồng minh NATO thuộc EU hiện nay đang trong tình trạng bề ngoài “vui vẻ hòa nhã”, “đồng tâm hiệp lực”, nhưng đang tồn tại sự bất mãn và bất an trong nội bộ đồng minh.
Người châu Âu tin rằng Mỹ dựa trên những lợi thế riêng của họ về kinh tế và quân sự, luôn thể hiện thái độ hung hăng dọa nạt, vênh mặt sai khiến, ngạo mạn vô lễ trong quan hệ song phương.
Trong giải quyết các vấn đề quốc tế cụ thể, Mỹ luôn khăng khăng làm theo ý mình, không ngại đưa các đồng minh của mình vào các sai lầm về quan điểm hoặc chủ đạo các cuộc chiến tranh phi nghĩa (đặc biệt là ở Trung Đông).
Hậu quả mà các cuộc chiến tranh này gây ra cuối cùng về cơ bản đều bắt người châu Âu gánh chịu như các cuộc tấn công khủng bố, dòng người tị nạn và kết quả là chủ nghĩa dân túy cánh hữu châu Âu.
Ở chiều ngược lại, Mỹ tin sự chỉ trích và phàn nàn từ các đồng minh châu Âu là cường điệu quá mức và giả dối. Ví dụ, nước Đức đã hưởng thụ nguồn viện trợ kinh tế và hệ thống tài chính mà Mỹ cung cấp sau Thế chiến II và luôn yên ổn do được Mỹ bảo hộ hạt nhân. Nếu không có Mỹ đã không có EU, càng không thể có sự mở rộng của EU về phía Đông sau này.
Nhưng người châu Âu lại cảm thấy rằng cách tính này của Washington không đáng tin cậy. Theo số liệu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh), đa số chi phí quân sự của Mỹ thực tế không dành cho NATO mà phục vụ các nhu cầu của Mỹ.
Nhiều khoản đầu tư mà Mỹ “kể công” với châu Âu dường như đều liên quan đến lợi ích toàn cầu của chính nước Mỹ. Ví dụ, Kế hoạch Marshall hiển nhiên đã giúp các nước châu Âu thoát ra khỏi những khó khăn và chủ nghĩa dân tộc sau chiến tranh, nhưng cũng giúp cho Mỹ giành được thị trường tiền tệ và hàng hóa rất lớn.
Trong cuốn “Lịch sử châu Âu sau chiến tranh”, nhà sử học người Anh Tony Judt đã viết: “Đằng sau việc thiết lập tất cả những cơ chế chính trị và an ninh đều có sự cân nhắc của Mỹ lấy lợi ích riêng của họ để liên hệ chặt chẽ với một lục địa châu Âu đang trong giai đoạn yếu đuối”.
Một điểm bất đồng lớn khác giữa châu Âu và Mỹ là việc Chính quyền Trump ủng hộ nước Anh và lãnh tụ phe cực hữu Pháp Marine Le Pen về việc rút khỏi EU.
Theo Minh Sang (Tổng hợp) / baodatviet.vn