Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Bị đóng cửa vì kém tiếng Đức: Chủ quán ăn Việt thắng kiện

Rất nhiều người Việt mở hàng ăn châu Á. Ảnh: Trung Hiếu

Để mở một quán ăn tại Đức, người Việt cần những tiêu chuẩn gì?

Ảnh mang tính minh họa: Trung Hiếu

Mở nhà hàng bán thức ăn châu Á hay món Việt là một trong những hoạt động kinh doanh phổ biến của bà con kiều bào tại Đức và nhiều quốc gia khác ở châu Âu. Mới đây, một vụ kiện „hi hữu“ đã xảy ra, khi một quán ăn Việt Nam đã bị chính quyền thành phố bắt đóng cửa vì nguyên nhân chủ quán ăn này bị cho là không đủ trình độ tiếng Đức.

Theo hồ sơ vụ kiện, quán kinh doanh thức ăn nhanh của chị M bị chính quyền thành phố Bad Dürkheim yêu cầu đóng cửa vì cho rằng chị M không đủ trình độ tiếng Đức để có thể duy trì các hoạt động của quán.

Bất bình trước yêu cầu này, chị kiện vụ việc ra Tòa án Hành chính Bad Dürkheim (án số: 4 L 403/16). Sau thời gian điều tra xác minh và làm rõ, tòa phán chị M thắng kiện. Theo phán quyết của tòa, kiến thức tiếng Đức không phải điều kiện bắt buộc khi mở quán ăn. Phán quyết cho biết thêm, với giấy phép cư trú hiện tại, nguyên đơn (chị M) đủ điều kiện tự hành nghề. Ngoài ra, để mở quán ăn, chị M chỉ cần hoàn thành buổi học về luật thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể thông qua phiên dịch. Bốn nhân viên ở quán ăn nói tiếng Đức tốt và có thể nhận đơn đặt hàng.

Theo tìm hiểu của Thời báo Việt Đức, để được cấp giấy phép kinh doanh, người tự hành nghề phải chứng minh được độ tin cậy cá nhân, năng lực chuyên môn và một số điều kiện nhất định về quán ăn. Để chứng minh độ tin cậy cá nhân, chủ kinh doanh phải nộp bốn giấy chứng nhận:

i) Trích lục từ Danh bạ Trung ương Liên bang (Bundeszentralregister), bản điều tra lý lịch hình sự polizeiliches Führungszeugnis xin ở Cơ quan đăng kí chỗ ở (Einwohnermelderamt);

ii) Trích lục từ Danh bạ Thương mại Trung ương (Gewerbezentralregister) (cũng xin ở Einwohnermeldeamt);

iii) Giấy chứng nhận không nợ thuế (Unbedenklichkeitsbescheinigung) của Sở Tài chính;

iv) Giấy chứng nhận Unbedenklichkeitsbescheinigung của Cơ quan thuế thương mại (Gewerbesteuerbehörde) địa phương.

Về vấn đề năng lực chuyên môn, chủ kinh doanh phải:

i) Tham gia buổi học của IHK về Quy đinh pháp lý thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 4 Luật Gaststättengesetz. Những người tốt nghiệp một số ngành được miễn, chẳng hạn đầu bếp;

ii) nộp Giấy chứng nhận về hướng dẫn ban đầu của Cơ quan y tế địa phương(Gesundheitsamt) theo Luật bảo vệ lây nhiễm (Infektionsschutzgesetz) (không quá 3 tháng).

Ngoài ra, để đảm bảo các điều kiện liên quan đến cửa hàng, chủ kinh doanh phải có

  • hợp đồng thuê hay mua cửa hàng;
  • chứng minh cửa hàng đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng (giấy phép xây dựng và sơ đồ nhà nếu có).

Trần Trúc Quỳnh