Thủ tướng Malta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các quốc gia khu vực Địa Trung Hải nhằm thúc đẩy sự ổn định của châu Âu và thế giới.
Lãnh đạo 7 quốc gia Liên minh châu Âu ven khu vực Địa Trung Hải hôm 14/6 nhóm họp tại Malta nhằm đối phó với các vấn đề khu vực và toàn cầu như an ninh, biến đổi khí hậu và di cư.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Joseph Muscat đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các quốc gia khu vực Địa Trung Hải nhằm thúc đẩy sự ổn định của châu Âu và thế giới:
“Các quốc gia khu vực Địa Trung Hải luôn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định Liên minh châu Âu và thế giới. Sứ mệnh của chúng ta với vai trò là các quốc gia khu vực Địa Trung Hải là thúc đẩy hòa bình, ổn định. Trong bối cảnh thế giới đang ngày càng thiếu sự ổn định, chúng ta vẫn tin tưởng vào Hiệp ước Helsinky ký năm 1975, bao gồm các quy định nhấn mạnh tầm quan trọng của các quốc gia khu vực Địa Trung Hải đối với hòa bình và ổn định ở châu Âu.”
Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo 7 quốc gia khu vực Địa Trung Hải bao gồm Malta, CH Síp, Pháp, Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha diễn ra sau cuộc họp không chính thức của các nước thành viên Liên minh châu Âu nhằm ký kết tuyên bố Sibiu, đặt nền móng cho việc duy trì một Liên minh châu Âu thống nhất, an toàn và dân chủ. 7 quốc gia khu vực Địa Trung Hải của Liên minh châu Âu đóng góp khoảng 40% dân số và Tổng sản phẩm quốc nội của khối này.
Cho đến nay, di cư vẫn là vấn đề gây nan giải đối với Liên minh châu Âu, nhất là các quốc gia khu vực Địa Trung Hải. Các nước Liên minh châu Âu vẫn bế tắc trong giải quyết vấn đề người di cư. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, gần 2.300 người đã thiệt mạng hồi năm ngoái trên hành trình vượt Địa Trung Hải tìm đường vào châu Âu. Trong năm 2015 đã có hơn 1 triệu người di cư và tị nạn đến châu Âu, thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn hơn 140.000 người trong năm 2018./.
Theo Reuters
Nguồn: vov.vn